Tên gọi chung, thông thường, thiết yếu không thể đăng ký nhãn hiệu

Thương hiệu nổi tiếng thế giới

Một dấu hiệu chỉ chứa hoặc chủ yếu là một từ là tên gọi chung, tên thông thường, thiết yếu, tên khoa học hoặc kỹ thuật của một sản phẩm, dịch vụ hoặc một loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể không thể sở hữu độc quyền bởi bất kỳ nhà kinh doanh duy nhất nào với danh nghĩa một nhãn hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Những tên gọi như vậy phải được tự do sử dụng bởi tất cả các đối thủ cạnh tranh để họ có thể tiến hành các hoạt động thương mại bình thường và không bị cản trở bởi độc quyền của một bên thứ ba.

Những thuật ngữ như vậy được hiểu trong giới kinh doanh, người tiêu dùng, công chúng nói chung là chỉ dẫn chung cho loại hàng hóa, dịch vụ. Trong thực tiễn những tên gọi như vậy cho phép nhà kinh doanh chào hàng đến người tiêu dùng theo một cách dễ hiểu. Việc đánh giá căn cứ từ chối cần cân nhắc đến hàng hóa, dịch vụ cụ thể, loại hàng hóa, dịch vụ của dấu hiệu yêu cầu bảo hộ. Một thuật ngữ phổ biến hoặc chung đối với một loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể có thể mang khả năng phân biệt cao đối một loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Ví dụ, những từ ngữ sau đây đã bị từ chối đăng ký tại Việt Nam với lý do là tên gọi chung, thông thường và thiết yếu cho sản phẩm, dịch vụ được chỉ dẫn:

  • “COTTON” cho vải, quần áo, dịch vụ đan;
  • “VASELINE” cho các sản phẩm chăm sóc da;

Căn cứ từ chối này áp dụng không chỉ với tên gọi phổ biến, tiêu chuẩn của hàng hóa dịch vụ mà còn đối với tên gọi đã trở thành thông thường, hoặc có một ý nghĩa mới về mặt ngôn ngữ đối với sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi một quốc gia nhất định, trong một bộ phận dân số có liên quan. Ví dụ, nó phổ biến theo cách mà giới trẻ có xu hướng là tạo ra, đặt ra những cách gọi sáng tạo để chỉ dẫn một số hàng hóa, dịch vụ. Do đó, việc từ chối đơn cần được xem xét trên phương diện một quốc gia hay cộng đồng cụ thể, và theo ngôn ngữ và tiếng nói tại đó.

Ví dụ, nếu từ “CHOPP” được một lượng lớn người tiêu dùng trong một quốc gia sử dụng để chỉ định sản phẩm “bia tươi”, thuật ngữ này sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm bia và dịch vụ liên quan đến bia tại quốc gia đó.

Ngoài những thuật ngữ phổ biến và tiêu chuẩn, những tên gọi khoa học, kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ cũng không thể được đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ liên quan. Mặc dù công chúng có thể không quen thuộc với những thuật ngữ như vậy, nhưng giới kinh doanh và người tiêu dùng đặc thù trong lĩnh vực đó (ví dụ, bác sĩ, các nhà phát triển phần mềm, kỹ sư điện tử, v..v..) và các nhà cung cấp cũng cần sử dụng một cách không hạn chế những tên gọi khoa học, kỹ thuật đó trong thương mại.

Ví dụ, có thể hầu hết người tiêu dùng thông thường không biết từ “RESISTOR”, nhưng nó có một ý nghĩa cụ thể (trong tiếng anh và các ngôn ngữ khác) đối những ai hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử. Do đó, thuật ngữ đó sẽ không được đăng ký độc quyền nhãn hiệu cho các sản phẩm, thiết bị điện hoặc các bộ phận kèm theo. Tuy nhiên, thuật ngữ đó có thể được chấp nhận hợp lệ là một nhãn hiệu đối với những hàng hóa khác, ví dụ như quần áo may mặc, vì nó không phải tên gọi chung để chỉ dẫn các sản phẩm này.

Tên gọi của giống cây trồng

Một trường hợp đặc biệt của tên gọi chung có liên quan đến tên gọi của các giống cây trồng được bảo hộ theo hệ thống bảo hộ giống cây trồng. Giống cây trồng được bảo hộ được quy định một tên gọi cụ thể để chỉ dẫn loài cây trồng và nguyên liệu của giống cây đó. Công ước UPOV quy định rằng một giống cây trồng được bảo hộ cần có một “tên gọi”, mà sẽ trở thành tên gọi chung của nó. Mỗi bên tham gia ký kết phải đảm bảo rằng không cấp một quyền nào liên quan đến tên gọi giống cây trồng mà có thể ngăn cản việc sử dụng tự do tên gọi đó cho giống cây trồng, ngay cả sau khi hết thời hạn bảo hộ.

Một giống cây trồng được nộp đăng ký tại nhiều quốc gia phải có cùng một tên gọi ở tất cả các quốc gia đăng ký. Bất kỳ người nào chào bán hoặc đưa ra thị trường nguyên liệu nhân giống của giống cây đã được bảo hộ, tại một quốc gia, đều phải sử dụng tên gọi của giống cây cho nguyên liệu đó, ngay cả sau khi hết thời hạn bảo hộ đối với giống cây. Điều đó có nghĩa là tên gọi của giống cây được bảo hộ đó sẽ không thể được đăng ký bởi bất kỳ người nào làm nhãn hiệu cho sản phẩm của giống cây đó, kể cả người nắm giữ quyền đối với giống cây trồng. Nếu một nhãn hiệu được sử dụng cho các sản phẩm của giống cây trồng (hạt giống, ngũ cốc, trái cây), nó phải dễ nhận biết và có khả năng phân biệt với tên gọi của giống cây trồng.

Luật pháp quốc gia về bảo vệ giống cây trồng thường có những điều khoản tương tự về tên gọi giống cây trồng. Khi áp dụng những điều khoản như vậy tại quốc gia liên quan, thẩm định viên phải từ chối đăng ký nhãn hiệu của dấu hiệu mang tên gọi giống cây trồng, nếu hàng hóa được chỉ định trong đơn đăng ký có liên quan đến sản phẩm của giống cây trồng đó.

Tên gọi quốc tế không độc quyền – INNs

Một trường hợp cụ thể về các thuật ngữ kỹ thuật chung liên quan đến tên của một vài chất hóa học đã được sử dụng thực tế hoặc có tiềm năng sử dụng trong tương lai cho các mục đích dược học, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê trong danh sách “Những tên gọi quốc tế không độc quyền (gọi tắt là INNs)”.

Những tên gọi quốc tế không độc quyền (INNNs) phân biệt các chất dược phẩm hoặc các thành phần hoạt chất dược phẩm. Mỗi INN là một tên gọi độc nhất được công nhận toàn cầu và thuộc sở hữu công cộng. Một tên gọi không độc quyền cũng được xem là một tên gọi chung. […] Để INN phổ biến khắp toàn cầu, WHO đã chính thức biến chúng thành sở hữu công cộng, do đó chúng có tên gọi là “không độc quyền”. Chúng có thể được sử dụng không hạn chế để chỉ dẫn các chất dược phẩm.

Nếu một dấu hiệu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm, hoặc chứa, một thuật ngữ mà giống toàn bộ hay đáng kể một INN, và có mục đích sử dụng đối với các sản phẩm y tế hoặc dược phẩm, thẩm định viên phải từ chối đơn. Trong trường hợp không chắc chắn, thẩm định viên nên tham khảo danh sách mới cập nhật các INN của WHO.

Ngoài tên gọi chung, tên gọi thông thường hoặc thiết yếu thì còn rất nhiều dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:

  1. Các ký hiệu đơn giản;
  2. Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
  3. Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
  4. Dấu hiệu có màu đơn nhất;
  5. Dấu hiệu là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc;
  6. Dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  7. Dấu hiệu mô tả địa lý;
  8. Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
  9. Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
  10. Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
  11. Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  12. Hình dáng thông thường của sản phẩm;
  13. Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
  14. Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
  15. Nhãn mác và khung phổ biến;
  16. Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;

Nếu bạn có nhu cầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký logo công ty có thể liên hệ với InvestOne Law Firm để luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí cho bạn.

Nguồn tham khảo:

1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
2. Thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
3. Tư liệu, thông tin liên quan trên Internet;

Ngày cập nhật: 12/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50