Một nhãn hiệu chỉ chứa duy nhất hoặc có yếu tố chính là một dấu hiệu có tính mô tả hoặc được coi có mang tính mô tả chính hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó thì phải bị từ chối bảo hộ cho chính các hàng hóa hoặc dịch vụ nêu trên.
Các dấu hiệu mô tả hàng hóa hoặc dịch vụ không được sử dụng như nhãn hiệu cho chính các hàng hóa hoặc dịch vụ đó bởi các dấu hiệu này không được xem là các yếu tố mang tính phân biệt để chỉ dẫn nguồn gốc thương mại khác biệt với các hàng hóa hoặc dịch vụ khác có cùng cách mô tả như vậy.
Các thuật ngữ có tính mô tả như vậy là các yếu tố phổ biến vì vậy cần được đảm bảo để tất cả những người kinh doanh đều có thể sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng và để quảng bá về hàng hóa và dịch vụ của họ mà không gặp bất kì cản trở nào từ những nhà cạnh tranh khác. Đây là một vấn đề thuộc chính sách công, trong đó tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều được tự do tiếp cận với các thuật ngữ mang tính mô tả.
Thế nào là dấu hiệu có tính mô tả?
Một dấu hiệu được cho là có tính mô tả nếu một bộ phận công chúng hoặc người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan nhận thấy rằng dấu hiệu này cung cấp thông tin về chính hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Cụ thể, những thông tin này có thể thể hiện bản chất, chủng loại, đối tượng, chất lượng, xuất xứ hoặc nguồn gốc địa lý, số lượng, kích cỡ, mục đích, cách sử dụng, giá trị hoặc bất kỳ các tính chất liên quan nào khác của hàng hóa hoặc dịch vụ.
Một dấu hiệu thể hiện một mối liên hệ đơn giản chỉ mang tính gợi tưởng về các đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc một sự liên hệ gián tiếp với các đặc tính của các hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan, không bị xem là “có tính mô tả”.
Sự liên hệ cơ bản để xác định bất kì một dấu hiệu (yếu tố chữ hoặc hình) có tính mô tả hay không là ý nghĩa và cách hiểu phổ biến về dấu hiệu đó của các người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan tại mỗi quốc gia. Đối với các tên gọi và chỉ dẫn chung, cơ sở để từ chối phải được đánh giá trên cơ sở có tính đến cả ngôn ngữ bản địa và nhận thức của các người tiêu dùng tại quốc gia liên quan.
Các thuật ngữ có tính mô tả trong ngôn ngữ nước ngoài nên được đánh giá trên cơ sở kiến thức và mức độ hiểu các thuật ngữ đó của người tiêu dùng liên quan tại quốc gia liên quan. Nếu một ngôn ngữ nước ngoài hoặc các thuật ngữ hoặc các cách thể hiện nhất định bằng ngôn ngữ nước ngoài có thể hiểu được dễ dàng tại quốc gia này, cơ sở để từ chối phải được áp dụng tương tự như đối với các thuật ngữ được thể hiện bằng ngôn ngữ của chính quốc gia đó.
Các từ có tính mô tả
Các dấu hiệu gồm một hoặc nhiều từ mô tả về bản chất, đối tượng, chất lượng, số lượng, kích cỡ, mục đích, cách sử dụng hoặc bất kỳ tính chất nào khác của các hàng hóa và dịch vụ cụ thể phải bị từ chối khi đăng ký nhãn hiệu.
Để xem xét một từ “có tính mô tả” hay không, từ đó phải luôn được đặt trong mối quan hệ với các hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Một số từ nhất định bị xem là có tính mô tả bất kể được đăng ký cho hàng hóa hay dịch vụ nào, ví dụ như những từ liên quan đến giá trị hoặc kích cỡ.
Trong các trường hợp khác, một từ có thể mang tính mô tả chính một số hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định nhưng lại mang tính phân biệt (và chính vì thế có thể được bảo hộ) khi sử dụng cho các hàng hóa và dịch vụ khác. Ví dụ, từ “COMEDY” có tính mô tả khi được sử dụng làm nhãn hiệu cho các chương trình tivi và dịch vụ phát sóng. Tuy nhiên, từ này lại có tính phân biệt khi được sử dụng làm nhãn hiệu cho quần áo và các loại trang phục nói chung, hoặc cho mỹ phẩm.
Ví dụ về thuật ngữ có tính mô tả
Về chủng loại hoặc bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “RAPILATHER” cho xà phòng và kem cạo râu tạo bọt;
- “24-SEVEN” cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến;
- “SOFTER” cho gối và đệm;
Về đối tượng của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “GEOGRAPHY” cho sách hoặc xuất bản phẩm;
- “MAGNETIK” cho các vật ghi dữ liệu điện tử, phần mềm, các xuất bản phẩm phẩm điện tử, v.v…
- “DRAMA” cho các chương trình truyền hình giải trí;
- “CAR” cho phương tiện đi lại hoặc dịch vụ sửa chữa cơ khí;
- “BEST MART” cho các dịch vụ siêu thị cỡ nhỏ;
- “INTERNATIONAL STANDARD ACADEMY” cho các dịch vụ giáo dục;
- “BESTCHEF” cho dịch vụ nhà hàng;
- “ORGANIC WATER” cho nước khoáng;
- “A PROPERTY” cho bất động sản và dịch vụ quản lý;
- “SMS” cho dịch vụ điện thoại;
Về chất lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “EXTRA”, “PRIME”, “PREMIUM”, “DELUXE” cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào;
- “LITE”, “FRESH” hoặc “SKIM” cho thực phẩm;
- “14k”, “18k” hoặc “24k” cho trang sức;
- “EXTRASAFE” cho sản phẩm cao su;
- “PERFECT” cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào;
Về số lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “KILOVALUE” cho gạo và các loại ngũ cốc khác;
- “500”, “1000” cho dược phẩm/thuốc (thể hiện milligram liều lượng);
Về kích cỡ của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “FAMILY”, “GIANT”, “JUNIOR” cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào;
Về mục đích hoặc cách sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “UPCUTTER” cho thiết bị cắt;
- “STRIKE” cho diêm và các sản phẩm thắp sáng;
- “SANITARY” cho các dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh,
- “THE FIDUCIARY” cho dịch vụ tài chính và ngân hàng;
Về giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “2-for-ONE” trong mối quan hệ với dịch vụ bán và phân phối có giảm giá;
- “50/OFF” cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào;
Về các tính chất khác của hàng hóa hoặc dịch vụ:
- “FRESH” cho các sản phẩm dọn dẹp nhà cửa;
- “FAST” cho dịch vụ vận tải, vận chuyển hàng hóa hoặc chuyển nhà;
- “BRIGHT-N-CLEAR” cho sơn tường tổng hợp;
- “STOUT” cho bia và rượu;
- “RUSTOFF” cho các sản phẩm chăm sóc và đánh bóng kim loại;
- “TWO LITER” hoặc “TURBO” cho động cơ mô-tô hoặc ô-tô;
- “4-GB” hoặc “2-TERA” cho máy tính và phần cứng hoặc phần mềm liên quan;
- “3-N-1”, “3-in-1” hoặc “3-N- One” cho các sản phẩm cà phê (thể hiện rằng sản phẩm bao gồm cà phê, đường và kem);
- “125”, “250” cho phương tiện đi lại, cụ thể, xe máy (thể hiện dung tích động cơ theo phân khối);
- “LOW CALORIE”, “TASTY”, “NUTRITIOUS” cho đồ ăn;
- “ENERGY SAVER” cho bóng đèn, đèn huỳnh quang;
- “SMART” cho các thiết bị điện có bộ xử lý, có thể lập trình được, có chức năng tự động hoặc có khả năng xử lý thông tin.
- “SLIM FIT” cho dịch vụ liên quan đến vệ sinh và chăm sóc sắc đẹp, liệu pháp thẩm mỹ, biện pháp làm thon nhỏ cơ thể, chăm sóc sức khỏe, phòng ở cá nhân, dịch vụ chăm sóc làm đẹp.
- “SUPERGUARD” cho các dịch vụ liên quan đến vệ sinh và chăm sóc sắc đẹp, làm đẹp.
Biến thể của các từ có tính mô tả
Sự thay đổi đơn giản so với cách viết chuẩn của một từ bằng cách đánh vần sai hoặc sử dụng âm tương đương sẽ không làm thay đổi tính mô tả của từ. Cách sử dụng âm tương đương của một từ có tính mô tả vẫn sẽ khiến từ sử dụng âm tương đương đó bị cho là có tính mô tả.
Ví dụ như từ “BRIGHT” có tính mô tả đối với sản phẩm sơn tường thì từ BRITE cũng sẽ có tính mô tả đối với các hàng hóa cùng loại liên quan. Điều này cũng áp dụng đối với những thay đổi trong cách viết, ví dụ:
- “RESIST”NT” (từ gốc RESISTANT);
- “X-RA-FRESH” (từ gốc EXTRA FRESH);
- “KWIK_GRIPP” (từ gốc QUICK GRIP);
- “EE-ZEE-HOLD” (từ gốc EASY HOLD);
Những từ bị đánh vần sai dưới đây được cho là có tính mô tả đối với một số hàng hóa ở Malaysia:
- “CAREKLEAN” cho chế phẩm tẩy trắng, làm sạch, đánh bóng và cọ rửa (nhóm 3) (92005280 – ANTARA ABDI (M) SDN BHD.)
- “KLEAN `N” RINSE” cho các giải pháp làm sạch và ngâm ướt kính áp tròng (nhóm 5) (93007872 – EXCEL PHARMACEUTICAL SDN.BHD.)
- “SURE-LOC” cho đồ sắt, khóa cửa, khóa trụ, khóa vành, chốt cửa, khóa móc, lò xo sàn bằng kim loại, bản lề, tay cầm cửa, thanh kéo-đẩy và tấm kim loại, v.v… – Đơn số 00006118
Tuy nhiên, các biến thể về cách viết hoặc đánh vần sai một từ có thể tạo ra những tính phân biệt cần thiết nếu khiến từ đó gây ấn tượng, ngạc nhiên hoặc dễ nhớ đối với những người tiêu dùng liên quan. Ví dụ, trường hợp xảy ra khi một biến thể về cách viết làm thay đổi một cách hiệu quả nghĩa của từ khi tạo ra một nghĩa thay thế hoặc một cách chơi chữ khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ để hiểu mối quan hệ biến thể đó với nghĩa gốc của từ.
Ví dụ, kết hợp từ “MINUTE MAID” (thực chất là “minute made”) được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu ở Châu Âu đối với các sản phẩm như bia, nước khoáng và nước tinh khiết và các loại đồ uống không cồn khác, nước trái cây và nước ép trái cây, si-rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống.
Tương tự, nhãn “XTRA DELIXIOUS” (ví dụ “Extra Delicious”) được cho là có tính phân biệt ở Malaysia vì biến thể về cách viết của nó được kết hợp thành một hình ảnh khác thường:
Ở Việt Nam, biến thể về cách viết sau được cho là có tính phân biệt:
Các yếu tố từ có tính mô tả
Một số yếu tố từ được sử dụng phổ biến như các bộ phận cấu thành, tiền tố hoặc hậu tố để cấu tạo nên các từ khác và có nghĩa mang tính mô tả hoặc tính thông tin chung, hoặc được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ của một quốc gia cụ thể, thực chất không được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ nói chung, hoặc với một số hàng hóa và dịch vụ liên quan mà việc sử dụng các yếu tố từ như vậy là phổ biến.
Những yếu tố từ như vậy không được phép bị tư hữu hóa. Do bản chất mang tính mô tả, các yếu tố này không có tính phân biệt và không được sử dụng làm nhãn hiêu đối với các hàng hóa hoặc dịch vụ nói chung và với một số các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định nói riêng.
Một số ví dụ
Các yếu tố từ sau trong tiếng Anh không được chấp thuận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho bất kỳ loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào, hoặc cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định mà nghĩa của chúng được sử dụng phổ biến và không thể bị tư hữu hóa bởi bất kỳ cá nhân nào:
- “mini”: nhỏ, kích cỡ tiêu giảm (ví dụ đối với các thành phần điện);
- “micro”: rất nhỏ (nhỏ hơn “mini”, ví dụ đối với các thành phần điện, lò vi sóng);
- “nano”: rất nhỏ, tinh vi hoặc liên quan đến công nghệ nano (ví dụ đối với các thành phần điện hoặc thiết bị điện);
- “mid”, “midi”: ở khoảng giữa các phạm vi định tính hoặc định lượng (ví dụ đối với các loại quần áo; đối với các sản phẩm thường được thiết kế với kích cỡ hoặc phạm vi kích cỡ khác biệt);
- “multi”, “poly”, “pluri”: vô số, hoặc hàng hóa (hoặc dịch vụ) có hoặc mang một số hoặc đa số các tính chất hoặc các cách sử dụng;
- “plus”, “extra”: thêm hoặc ngoài cách thể hiện hoặc đặc điểm thông thường hoặc chuẩn mực của một sản phẩm (hoặc dịch vụ);
- “eco”, “bio”: được sản xuất một cách tự nhiên hoặc một cách đảm bảo về phương diện sinh thái hoặc tuân theo một số mức chuẩn mực về tính thân thiện với môi trường;
- “semi”: chưa hoàn chỉnh về chất lượng hoặc một phần (ví dụ đối với sữa hoặc các sản phẩm sữa với một phần chất béo hoặc đã được tách chất béo).
Tương tự, các yếu tố từ khác có nghĩa mô tả thông dụng trong ngôn ngữ một quốc gia cũng bị từ chối bảo hộ. Cơ sở từ chối này yêu cầu phải xem xét các đánh giá cụ thể của người tiêu dùng tại quốc gia đó đối với những ngôn ngữ bản địa được sử dụng. Cơ sở này cũng yêu cầu phải đánh giá mức độ nhận thức và cách sử dụng ngôn ngữ nước ngoài (ví dụ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, v.v…) của các người tiêu dùng liên quan tại quốc gia đó.
Khi một yếu tố từ không có tính mô tả đối với các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định, cơ sở từ chối này sẽ không được áp dụng. Hơn nữa, đối với các từ có tính mô tả, nếu người nộp đơn có thể chứng minh được rằng yếu tố từ có tính mô tả đó đạt được tính phân biệt thông qua quá trình sử dụng trên thị trường và được sử dụng hiệu quả như một nhãn hiệu cho các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì cơ sở từ chối nêu trên sẽ không được áp dụng.
Sự kết hợp của các từ có tính mô tả
Sự kết hợp đơn giản của các thuật ngữ chung chung hoặc có tính mô tả sẽ vẫn được xem là có tính mô tả. Hai từ khi để riêng mà mỗi từ đều có nghĩa chung chung hoặc có tính mô tả đối với hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan thì được cho là có tính mô tả khi kết hợp cùng nhau. Do vậy, sự kết hợp của hai hoặc nhiều từ có tính mô tả (hoặc có nghĩa chung chung) sẽ vẫn có thể bị từ chối nếu được sử dụng đối với các hàng hóa và dịch vụ được mô tả liên quan.
Ví dụ, ở Việt Nam, những sự kết hợp các từ có tính mô tả sau không được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu:
- “GOODCHECK” đối với các hàng hóa trong nhóm 5 của Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Nice – Đơn số 4-2009-16064;
- “HEAR MUSIC” đối với hàng hóa trong nhóm 9 của Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Nice – Đơn số 4-2009-18861;
Tương tự, trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký tại EU do các cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng châu Âu quyết định, những kết hợp từ sau sẽ được cho là có tính mô tả và chính vì thế không được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu:
- “TRUSTEDLINK” đối với phần mềm dùng cho thương mại điện tử, dịch vụ tư vấn kinh doanh, dịch vụ tích hợp phần mềm và dịch vụ giáo dục dành cho các công nghệ và dịch vụ thương mại điện tử (đánh giá ngày 26/10/2000, T-345/99)
- “CINE COMEDY” đối với việc phát sóng của đài phát thanh và các chương trình truyền hình, sản xuất, trình chiếu và cho thuê phim, và phân phối, chuyển giao, cho thuê và các hình thức khai thác khác các quyền liên quan đến phim (phán quyết ngày 31/01/2001, T-136/99)
- “COMPANYLINE” đối với việc bảo hiểm và các vấn đề tài chính (phán quyết ngày 19/09/2002, C-104/00 P)
- “TELEAID” đối với các thiết bị điện để truyền tải lời nói và dữ liệu, các dịch vụ sửa chữa ô tô và phương tiện đi lại, sự vận hành các mạng truyền thông, các dịch vụ kéo phương tiện đi lại và cứu hộ giao thông và các dịch vụ tính toán để xác định vị trí phương tiện (phán quyết ngày 20/03/2002, T-355/00)
- “BIOMILD” đối với sữa chua hữu cơ có vị dịu (phán quyết ngày 12/02/2004, C-265/00)
- “QUICKGRIPP” đối với các dụng cụ cầm tay, bàn kẹp và các bộ phận của các dụng cụ và các bàn kẹp (điều lệnh ngày 27/05/2004, T-61/03)
- “TWIST AND POUR” đối với các bình nhựa cầm tay – một phần không thể thiếu của thiết bị chứa, tích trữ và đổ dung dịch màu hoặc sơn (phán quyết ngày 12/06/2007, T-190/05)
- “CLEARWIFI” đối với các dịch vụ viễn thông, như đường truy cập tốc độ cao đối với máy tính và các mạng truyền thông (phán quyết ngày 19/11/2009, T-399/08)
- “STEAM GLIDE” đối với bàn là điện, bàn là điện phẳng, bàn là điện để là quần áo, các bộ phận và phụ kiện cho các hàng hóa được đề cập ở trên (phán quyết ngày 16/01/2013, T-544/11).
Tuy nhiên, sự kết hợp một từ có tính mô tả với một từ hoặc một yếu tố từ có tính phân biệt có thể khiến kết hợp từ này trở thành một tổng thể có đủ tính phân biệt. Cụ thể, cách kết hợp một từ có tính mô tả với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó của cùng chủ sở hữu thông thường sẽ không bị coi là có tính mô tả đối với cùng loại hàng hóa và dịch vụ đó.
Tương tự, một kết hợp của một hoặc nhiều từ có tính mô tả với các yếu tố hình có tính phân biệt có thể làm cho kết hợp này (dấu hiệu hỗn hợp) có đủ tính phân biệt.
Ví dụ, các dấu hiệu hỗn hợp sau khi gồm các từ hoặc yếu tố có tính mô tả được kết hợp với cách thể hiện bằng hình ảnh có tính phân biệt thì được xem là có tính phân biệt ở Malaysia:
Đơn số: 04005494 – CHEONG KIM CHUAN TRADING SDN. BHD. Đăng ký nhóm 32 – nước khoáng hoặc nước có ga, đồ uống không cồn, nước trái cây và nước trái cây ép, xi rô và các đồ uống khác.
Đơn số: 07022647 – TH TONG FOOD INDUSTRIES SDN. BHD. Đăng ký nhóm 32 – bia, nước khoáng và nước có ga, đồ uống không cồn; nước trái cây và nước trái cây ép; xi rô và chế phẩm để làm đồ uống.
Tương tự, một kết hợp các từ mà khác thường hoặc lạ đến mức tạo ra một ấn tượng đủ để làm mất đi lớp nghĩa đen của các từ cơ bản này thì có thể được xem như đủ tính phân biệt. Nếu một kết hợp gồm hai hoặc nhiều từ hoặc yếu tố có tính mô tả vốn đã kỳ lạ thì sự kết hợp này có thể có đủ tính phân biệt.
Ví dụ, các kết hợp của các yếu tố có tính mô tả sau có thể được coi là có tính phân biệt:
- “YOUTH CODE” đối với mỹ phẩm;
- “MR SUSHI” đối với thức ăn Nhật bao gồm gia vị và tất cả các thành phần liên quan để chế biến sushi.
Ngoài các dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm/hàng hóa/dịch vụ, một số dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:
- Các ký hiệu đơn giản;
- Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
- Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
- Dấu hiệu có màu đơn nhất;
- Dấu hiệu là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc;
- Dấu hiệu mô tả địa lý;
- Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
- Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
- Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
- Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
- Hình dáng thông thường của sản phẩm;
- Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
- Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
- Nhãn mác và khung phổ biến;
- Tên gọi chung, thông thường hoặc thiết yếu;
- Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;
Nếu bạn có nhu cầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký logo công ty có thể liên hệ với InvestOne Law Firm để luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí cho bạn.
Nguồn tham khảo:
1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
Ngày cập nhật: 12/08/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.