Dấu hiệu có màu đơn nhất không thể đăng ký làm nhãn hiệu

Nhãn hiệu 1 màu

Dấu hiệu có màu đơn nhất (chỉ gồm một màu) nếu không được thể hiện dưới một hình dáng, đường viền cụ thể hay một yếu tố, dấu hiệu xác định nào khác (tức là bất kỳ dạng nào có thể hình dung được) thì sẽ không được đăng ký nhãn hiệu.

Yêu cầu bảo hộ một màu sắc trong bản mô tả có thể được xem là yêu cầu bảo hộ ý nghĩa của màu sắc đó. Dấu hiệu này sẽ được xem là không tuân theo các điều kiện về tính rõ ràng, tính chính xác và tính thống nhất trong phạm vi bảo hộ nhãn hiệu. Do đó dấu hiệu sẽ không có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ trong thương mại.

Thêm vào đó, việc yêu cầu bảo hộ dấu hiệu có màu sắc đơn nhất sẽ làm hạn chế sự tự do của các nhà kinh doanh khác trong việc sử dụng màu sắc đó để chào bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại. Điều này sẽ cản trở cho hoạt động thương mại và do đó đi ngược lại chính sách công.

Dấu hiệu có màu sắc đơn nhất có thể được trình bày và sử dụng một cách đa dạng trong thương mại. Công chúng sẽ thường không coi màu sắc là một nhãn hiệu. Người tiêu dùng thường không xác định nguồn gốc thương mại của hàng hóa chỉ dựa trên màu sắc của hàng hóa hay màu sắc của vật bảo quản. Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm một từ ngữ hay một dấu hiệu hình nào đó để phân biệt những hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Những màu sắc đơn lẻ thường không được sử dụng như một cách thức để nhận dạng thương hiệu, mà chúng được xem là có tính chức năng. Điều đó có nghĩa là trong thực tiễn một màu sắc đơn lẻ sẽ có chức năng đơn thuần là để trang trí hoặc tạo ra bề ngoài hấp dẫn cho hàng hóa, dịch vụ, và sẽ không được xem là một chỉ dẫn cho nguồn gốc thương mại.

Theo đó, một dấu hiệu có màu sắc đơn nhất không phải là một nhãn hiệu và thẩm định viên phải từ chối dựa trên căn cứ đó. Để được đăng ký, dấu hiệu màu sắc cần được thể hiện dưới một hình dáng cụ thể hoặc một đường viền xác định. Ví dụ, dấu hiệu sau đây chỉ mang một màu đỏ duy nhất đã bị từ chối bảo hộ tại Việt Nam, với lý do không phải là một nhãn hiệu:

Nhãn hiệu 1 màu
Đơn quốc tế số 801739

Trường hợp ngoại lệ?

Có thể bỏ qua những căn cứ từ chối ở trên trong trường hợp đặc biệt khi màu sắc được xem là khác lạ hoặc nổi bật khi được sử dụng kết hợp với những hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Ví dụ, màu “hồng huỳnh quang” được sử dụng cho sản phẩm lốp xe (thường là màu đen) có thể xem là có tính phân biệt.

Cũng có thể bỏ qua căn cứ từ chối ở trên nếu màu sắc đó đạt được yêu cầu về khả năng phân biệt thông qua việc được sử dụng trong thương mại. Trường hợp đặc biệt này cần phải được chứng minh và chứng cứ để chứng minh sẽ được nộp kèm đơn đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, khả năng phân biệt đó không được xem xét nếu màu sắc đó mang tính chức năng theo quy ước hoặc do bản chất kỹ thuật vốn có hoặc bản chất của sản phẩm gắn liền với dấu hiệu đó. Đối với những trường hợp như vậy, thẩm định viên phải từ chối đơn đối với đơn đăng ký của dấu hiệu màu sắc.

Bản chất chức năng của một màu sắc cụ thể có thể là do quy ước hoặc theo tiêu chuẩn kỹ thuật trong một lĩnh vực cụ thể của sản phẩm. Ví dụ: việc sử dụng màu đỏ cho các thiết bị, dụng cụ chữa cháy, hoặc quy định về màu sắc đối với các thành phần của dây diện trong mạch điện.

Tính chức năng của một màu sắc có thể do bản chất vật lý, kỹ thuật của màu sắc quyết định. Ví dụ, màu đen khi được sử dụng trong một vài sản phẩm, như động cơ đốt trong hay mô tơ, có thể tạo ra hiệu ứng nhiệt cần thiết để nâng cao hiệu suất bức xạ nhiệt.

Ngoài ra, một màu sắc được xem là có tính chức năng nếu nó là màu phổ biến của các hàng hóa, dịch vụ nhất định trong thương mại, hoặc nó là màu sắc tự nhiên của hàng hóa. Mọi nhu cầu về sử dụng màu sắc này của bên thứ ba sẽ làm cho màu sắc mang tính chất chức năng và sẽ cản trở việc đăng ký nhãn hiệu của màu sắc này.

Ngoài dấu hiệu có màu sắc đơn nhất, những dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:

  1. Các ký hiệu đơn giản;
  2. Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
  3. Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
  4. Dấu hiệu là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc;
  5. Dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  6. Dấu hiệu mô tả địa lý;
  7. Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
  8. Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
  9. Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
  10. Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  11. Hình dáng thông thường của sản phẩm;
  12. Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
  13. Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
  14. Nhãn mác và khung phổ biến;
  15. Tên gọi chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  16. Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;

Nếu bạn có nhu cầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký logo công ty có thể liên hệ với InvestOne Law Firm để luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí cho bạn.

Nguồn tham khảo:

1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
2. Tư liệu, thông tin liên quan trên Internet;

Ngày cập nhật: 12/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50