Vai trò của kiểu dáng công nghiệp trong hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ

Kiểu dáng công nghiệp thường là yếu tố hữu hình đầu tiên của sản phẩm tạo ra sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Ngoài những đặc điểm chức năng bên trong của sản phẩm là yếu tố quyết định thị hiếu của người tiêu dùng thì cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của kiểu dáng công nghiệp đối với doanh thu của sản phẩm. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp đối với nhiều sản phẩm có cùng chức năng thì sản phẩm nào có kiểu dáng đẹp, bắt mắt hơn sẽ dễ dàng thu hút người tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, trong các đối tượng được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp cũng là một trong những bộ phận dễ bị đánh cắp nhất và cũng thường xuyên bị bắt chước nhất. Vì vậy, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có vai trò vô cùng to lớn, không chỉ đối với doanh nghiệp, với người tiêu dùng mà còn với cả xã hội.

Vai trò của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với xã hội

Sở hữu trí tuệ là một thuật ngữ mang nghĩa rộng, được dùng để mô tả sự sáng tạo của tư duy. Sự sáng tạo này là tài sản vô hình mà pháp luật cần phải bảo hộ thông qua việc trao cho tác giả của sự sáng tạo ấy một số quyền nhất định, nhằm khuyến khích những sáng tạo hữu ích có lợi cho toàn xã hội.

Ở nước ta, sự sáng tạo ấy đã có từ rất lâu, nhưng việc bảo hộ sự sáng tạo đó mới thực sự được triển khai từ những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Ngày nay, tất cả các dạng tài sản trí tuệ, trong đó có kiểu dáng công nghiệp, đều được pháp luật thừa nhận và là đối tượng được Nhà nước bảo hộ.

Do tính chất “vô hình” của tài sản trí tuệ mà việc thực hiện các quyền sở hữu đối với tài sản diễn ra khó khăn hơn. Tài sản trí tuệ luôn đứng trước một nguy cơ xâm phạm rất lớn. Khoa học công nghệ đã mang lại cho con người những thành tựu không thể phủ nhận, nhưng đó cũng chính là con dao hai lưỡi khi khoa học đã bị kẻ xấu lợi dụng làm phương tiện cho hành vi xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ. Đối tượng bị xâm phạm thường là kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệusáng chế. Việc xác định thiệt hại trong những trường hợp xâm phạm là vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp càng có ý nghĩa, vai trò to lớn, góp phần ngăn chặn những hành động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ là nhân tố đem lại sự tăng trưởng kinh tế đáng kể cho xã hội. Việc bảo hộ hữu hiệu kiểu dáng công nghiệp góp phần không nhỏ cho hoạt động bảo vệ các tài sản trí tuệ. Đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, sở hữu trí tuệ luôn được đánh giá là loại tài sản chiếm vị trí quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của đất nước. Với mỗi phát minh, sáng chế ra đời và được bảo hộ, thì nó không chỉ đem lại lợi ích cho chủ thể sở hữu sản phẩm trí tuệ đó mà đồng thời còn tạo nguồn thu cho nhà nước thông qua việc thương mại hoá các sản phẩm trí tuệ đó.

Sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia trong hội nhập. Mức độ “giàu có” của mỗi quốc gia không chỉ được đo bằng hệ thống tài sản hữu hình có thể cân, đong, đo, đếm; mà quan trọng hơn, tài sản sở hữu trí tuệ mới là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia nào càng làm tốt vai trò bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ thì năng lực cạnh tranh của quốc gia đó càng cao.

Với các nước đang phát triển như Việt Nam, năng lực cạnh tranh thường thấp, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, cho nên để có thể phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả, cần thiết phải đánh giá đúng vị trí quan trọng của việc bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Cần thiết phải xây dựng một hệ thống pháp luật bảo hộ có hiệu quả cao và tương đồng với xu thế phát triển chung của thế giới. Sẽ là phát triển bền vững nếu chúng ta biết cách khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản trí tuệ, bởi trí thức là tài sản đặc biệt, tuy không thể nhìn thấy hay ước lượng, nhưng tài sản đó lại có khả năng tồn tại bền bỉ, có thể áp dụng vào nhiều đối tượng khác nhau.

Việc thực hiện tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng là bước đệm quan trọng để chúng ta có thể tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập hiệu quả. Tài sản trí tuệ tuy “vô hình” nhưng lại là loại tài sản dễ bị sao chép, mô phỏng, thậm chí là đánh cắp. Việc đầu tư để tạo ra một công trình trí tuệ là quá trình đầu tư tốn kém về cả vật chất và ý tưởng, nên việc đánh cắp các thành quả sáng tạo của đối thủ cạnh tranh là việc dễ xảy ra. Đó cũng chính là một trong những băn khoăn của những nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy, thực hiện tốt công tác bảo hộ xã hội sẽ tạo ra được một môi trường đầu tư ổn định, từ đó mới dễ dàng thu hút đầu tư quốc gia.

Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ là một yếu tố tiên quyết để chống lại nguy cơ tụt hậu và phát triển đất nước. Mặt khác, việc các chủ sở hữu tài sản trí tuệ tiến hành đăng ký cũng góp phần cho việc quản lý của Nhà nước diễn ra thuận lợi hơn. Khi xảy ra tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp cũng sẽ diễn ra nhanh gọn và bảo đảm được quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

Vai trò của kiểu dáng công nghiệp đối với doanh nghiệp

Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia làm hai loại chính: tài sản hữu hình (bao gồm nhà xưởng, máy móc, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng) và tài sản vô hình (bao gồm nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế và những tài sản vô hình khác có được từ khả năng sáng tạo và đổi mới của họ). Theo truyền thống, tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị của doanh nghiệp, và được coi là có vai trò quyết định đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan niệm trên đã có nhiều thay đổi. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế dịch vụ, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tài sản vô hình của họ có giá trị lớn hơn nhiều lần so với các tài sản hữu hình.

Hầu như doanh nghiệp lớn hay nhỏ, cho dù sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ, thì đều tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Bởi những quyền sở hữu trí tuệ đó là một phần tài sản quan trọng, quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thì những tài sản trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp luôn chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp. Ví dụ, đối với những doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động hay ô tô-xe máy, người tiêu dùng ngày nay không chỉ chú trọng vào những tính năng sử dụng của sản phẩm mà còn đặc biệt quan tâm đến kiểu dáng sản phẩm. Với những sản phẩm có cùng tính năng thì sản phẩm nào có kiểu dáng, màu sắc đẹp hơn, độc đáo hơn sẽ có doanh thu cao hơn.

Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ mọi khía cạnh của việc phát triển kinh doanh và xây dựng chiến lược cạnh tranh: từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính đến việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng li-xăng hoặc nhượng quyền kinh doanh.

Vì vậy, ngoài việc tập trung cho công tác nghiên cứu, phát triển và mở rộng hệ thống tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm trí tuệ của doanh nghiệp mình. Việc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ cũng góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp khi các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư cho doanh nghiệp. Hoặc khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nào đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ sẽ được Nhà nước đứng ra bảo hộ. Trong thực tế hiện nay, việc nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác nhau có cùng kiểu dáng, chỉ khác nhau về nhãn hiệu hay màu sắc thường xuyên xảy ra. Vì thế, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của doanh nghiệp mình để bảo vệ tài sản của chính mình.

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp làm cho việc kinh doanh có ý nghĩa khi kiểu dáng đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và mang lại thu nhập bổ sung theo một hoặc nhiều cách sau:

  • Bằng việc đăng ký kiểu dáng, doanh nghiệp có nhiều khả năng hơn để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép và bắt chước, và do đó nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp;
  • Các độc quyền có được từ việc đăng ký kiểu dáng góp phần thu hồi các khoản đầu tư cho việc sáng tạo và tiếp thị sản phẩm có liên quan, do đó nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp;
  • Kiểu dáng công nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, có thể làm tăng giá trị thương mại của công ty và sản phẩm của họ. Kiểu dáng càng thành công thì giá trị của nó đóng góp cho công ty và thương hiệu càng cao;
  • Một kiểu dáng được bảo hộ cũng có thể được chuyển nhượng quyền sử dụng (hoặc bán) cho người khác để thu phí. Bằng việc cấp quyền sử dụng đối với kiểu dáng, doanh nghiệp có thể thâm nhập vào các thị trường mà theo cách thức khác doanh nghiệp không thể làm được;
  • Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp khuyến khích hoạt động cạnh tranh công bằng và thương mại trung thực, cũng như thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.

Tóm lại, việc doanh nghiệp tiến hành nghiêm túc công tác đăng ký kiểu dáng công nghiệp nói riêng và tài sản trí tuệ nói chung tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sản phẩm, đến uy tín và doanh thu của chính doanh nghiệp.

Vai trò của kiểu dáng công nghiệp đối với người tiêu dùng

Xét cho đến cùng, sản phẩm trí tuệ cũng là để phục vụ cho người tiêu dùng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay, việc các sản phẩm khác nhãn hiệu nhưng có chung kiểu dáng thường xuyên xảy ra. Và cũng không phải người tiêu dùng nào cũng đủ kiến thức để phân biệt chúng với nhau khi nhìn bề ngoài thì các sản phẩm này có kiểu dáng gần như giống nhau hoàn toàn.

Việc doanh nghiệp tiến hành đăng ký bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình và công bố công khai cũng là cách giúp người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; giúp cho người tiêu dùng có thể trở thành nhà tiêu dùng thông thái.

Ngày cập nhật: 22/11/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50