Các dấu hiệu có thể sử dụng để đăng ký làm “nhãn hiệu”

Nhãn hiệu chữ

Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ đã khẳng định: Nhãn hiệu được bảo hộ khi nó là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. InvestOne sẽ giải thích rõ từng loại dấu hiệu này trong phần dưới đây, còn lý do tại sao những dấu hiệu không nhìn thấy được lại không thể đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu được thì các bạn xem chi tiết ở bài viết này.

1. Từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số, biểu tượng quy ước, khẩu hiệu

Là loại dấu hiệu phổ biến nhất trong thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu. Loại dấu hiệu này chỉ bao gồm những yếu tố có thể đọc được (như họ tên người, tên công ty,…), có thể chứa một hoặc nhiều từ (có nghĩa hoặc không có nghĩa), chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước, hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó, bao gồm khẩu hiệu và các thông điệp quảng cáo.

Một số dấu hiệu trong các nhóm này có thể được đề cập dưới cách gọi khác tùy theo luật của từng nước ASEAN. Và một số khác có thể không được viện dẫn trong luật. Ví dụ, theo luật một số nước, khẩu hiệu và thông điệp quảng cáo sẽ được coi là “sự kết hợp của từ ngữ” và do đó có thể được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu.

Loại dấu hiệu này có thể được thể hiện dưới dạng ký tự “tiêu chuẩn” hoặc ký tự đặc biệt, cách điệu, không tiêu chuẩn của bất kỳ bảng chữ cái nào, và có thể có một hoặc nhiều màu sắc. Những dấu hiệu này không bao gồm bất cứ yếu tố nền, khung hoặc yếu tố hình nào. Ví dụ minh họa:

Nhãn hiệu chữ
Nhãn hiệu là các chữ cái đọc được

Nhãn hiệu chữ cũng bao gồm dấu hiệu như chữ ký cá nhân, có thể là tên thật hoặc cách điệu. Những dấu hiệu như vậy thông thường vốn đã có khả năng phân biệt.

2. Dấu hiệu hình

Loại dấu hiệu này gồm một hoặc nhiều yếu tố hình hai chiều. Nó có thể đại diện cho sinh vật có thật (động vật, hoa, v.v..), các nhân vật hoặc con người có thật hoặc tưởng tượng (chân dung, nhân vật hoạt hình, v.v..), các đồ vật hoặc sinh vật có thật hoặc tưởng tượng (mặt trời, ngôi sao, núi non, đĩa bay, con rồng, v.v..). Những dấu hiệu này cũng có thể là logo, chữ số, thiết bị, hình học trừu tượng hoặc tưởng tượng hoặc hình hai chiều được tạo ra có chủ đích.

Logo Apple
Logo quả táo cắn dở nổi tiếng của Apple

Biểu tượng quy ước và các ký tự không có nghĩa hoặc khó hiểu đối với người tiêu dùng bình thường tại quốc gia nơi đăng ký nhãn hiệu có thể được coi là những dấu hiệu hình hoặc yếu tố hình của dấu hiệu.

Logo Starbucks
Nhãn hiệu cafe Starbucks

Dấu hiệu hình có thể có một hoặc nhiều màu sắc nhưng không chứa từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước.

Pháp luật của nhiều nước trong đó có Việt Nam không chấp nhận cho đăng ký các hình và hình học đơn giản như hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn,… vì chúng bị coi là không có khả năng phân biệt.

3. Dấu hiệu hỗn hợp

Loại dấu hiệu này được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới do khả năng phân biệt cao hơn so với việc chỉ sử dụng 1 yếu tố. Đó là sự kết hợp của một hoặc nhiều từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước với một hoặc nhiều dấu hiệu hình hoặc yếu tố không phải chữ viết. Yếu tố hình có khi được thể hiện trong yếu tố từ ngữ (ví dụ hình ảnh mặt trời hoặc trái đất ở vị trí của chữ “o”), sát cạnh hoặc chồng lấn lên yếu tố từ ngữ, hoặc làm nền hoặc khung cho yếu tố từ ngữ.

Logo bia Sài Gòn
Nhãn hiệu Bia Sài Gòn là sự kết hợp giữa biểu tượng con rồng cách vẽ điệu và chữ Sabeco
Logo xe Porsche
Logo xe Porsche là sự kết hợp khá nhiều yếu tố

Yếu tố không hình (từ ngữ, chữ số, v.v..) có khi được thể hiện trong các ký tự “tiêu chuẩn”, ký tự cách điệu hoặc ký tự đặc biệt, và có thể có một hoặc nhiều màu sắc.

4. Màu sắc

Một dấu hiệu chứa một màu sắc duy nhất hoặc là sự kết hợp của hai hay nhiều màu sắc trong bản mô tả, được yêu cầu bảo hộ dưới bất kỳ hình dáng sẽ không phù hợp với các điều kiện về tính rõ ràng, chính xác và thống nhất cần phải có đối với định nghĩa đầy đủ về phạm vi của đối tượng đăng ký bảo hộ.

Để được công nhận là một nhãn hiệu, màu sắc cần phải được thể hiện bằng hình dáng cụ thể hoặc cần có đường nét xác định rõ ràng. Sự kết hợp của hai hay nhiều màu sắc cần được thể hiện bằng đường nét hoặc hình dáng cụ thể, hoặc được kết hợp một cách thống nhất, xác định và riêng biệt.

Ví dụ, sự kết hợp màu hồng và da cam để tạo thành hình cốc kem có thể là một nhãn hiệu hợp lệ:

Ice Cream Logo
Ice Cream Logo

Hoặc sự kết hợp giữa màu xanh lá và màu vàng để tạo nên hình ảnh quả bưởi đang chín trên cành cũng được coi là nhãn hiệu hợp lệ:

Fruit logo
Logo quả bưởi

Các dấu hiệu có màu đơn nhất hoặc là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc không được xem là một chỉ dẫn cho nguồn gốc thương mại nên không thể coi là nhãn hiệu. Mặc dù Hiệp định TRIPS và Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ đều quy định tổ hợp màu sắc là một loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu. Nhưng Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 chỉ xác định màu sắc là phương thức thể hiện của các loại dấu hiệu khác.

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:

  1. Các ký hiệu đơn giản;
  2. Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
  3. Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
  4. Dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  5. Dấu hiệu mô tả địa lý;
  6. Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
  7. Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
  8. Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
  9. Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  10. Hình dáng thông thường của sản phẩm;
  11. Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
  12. Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
  13. Nhãn mác và khung phổ biến;
  14. Tên gọi chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  15. Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;

Nguồn tham khảo:

1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
2. Thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
3. Tư liệu, thông tin liên quan trên Internet;

Ngày cập nhật: 07/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50