Hình dáng thông thường của sản phẩm không thể đăng ký nhãn hiệu

Mẫu thiết kế vỏ chai bia Budweiser mùa World Cup

Hình dáng của một sản phẩm hay của bao bì, đồ chứa sản phẩm không thể được đăng ký nhãn hiệu nếu nó mang hình dáng bắt nguồn từ bản chất của sản phẩm (hoặc dịch vụ). Tương tự, một hình dáng không thể được đăng ký nhãn hiệu nếu nó có chứa hình dáng thông thường của sản phẩm, của bao bì, đồ chứa của sản phẩm đó, hay nếu nó là hình dáng phổ biến trong ngành công nghiệp mà sản phẩm có liên quan.

Ví dụ, những dấu hiệu ba chiều (3D) sau đây không thể được đăng ký là nhãn hiệu, tương ứng, cho “trái cây” hoặc “trứng tươi”:

Dấu hiệu sau đây cũng bị từ chối đăng ký tại Việt Nam do nó được xem là thông thường và xuất phát từ bản chất của chính sản phẩm:

Giày thể thao
Đơn số 4-2005-13334

Liên quan đến bao bì và đồ chứa, cách trình bày thông thường của sản phẩm và hình dáng theo tiêu chuẩn của đồ chứa – nếu thiếu đi bất kỳ dấu hiệu có khả năng phân biệt hay đặc điểm đặc biệt nào – sẽ không thể đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu một gói bọc hay đồ chứa không có khả năng phân biệt nhưng lại chứa một dấu hiệu có đủ khả năng phân biệt thì sẽ làm cho sự kết hợp đó có khả năng phân biệt, và sự kết hợp đó có thể được đăng ký nhãn hiệu.

Ví dụ, hình dáng sau đây của sản phẩm có thể không được đăng ký nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm rượu vang do hình dáng này là thông thường hoặc là hình dáng tiêu chuẩn đối với chai rượu trong ngành công nghiệp rượu vang:

Chai rượu vang
Chai rượu vang

Hình dáng của một đồ chứa không thông thường, không theo tiêu chuẩn có thể xem là có đủ khả năng phân biệt và được chấp nhận đăng ký. Ví dụ, hình dáng của các chai dưới đây được xem là có khả năng phân biệt và được đăng ký:

Chai nước
Chai nước – Đơn số: 4-2012-18308

Trong trường hợp được minh họa ở trên, hình dáng sản phẩm được bắt nguồn trực tiếp từ chính sản phẩm hoặc không có khả năng phân biệt đối với hình dáng tự nhiên hoặc thông thường của sản phẩm liên quan. Những hình dáng như vậy không được tư hữu hóa bởi vì tất cả các đối thủ cạnh tranh trong thị trường của sản phẩm đó cần được phép sử dụng tự do hình dáng giống hoặc tương tự cho các sản phẩm của họ, mà không bị cản trở bởi bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Dành độc quyền nhãn hiệu cho những hình dáng phổ biến hoặc thiết yếu trong thương mại sẽ hạn chế sự cạnh tranh một cách thiếu công bằng đối với hàng hóa đó, và gây ra những hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế và công chúng.

Ngoài ra, một hình dáng thông thường hay phổ biến đối với một sản phẩm sẽ không được người tiêu dùng xem xét khi quyết định mua sản phẩm. Để có khả năng phân biệt như một nhãn hiệu, hình dáng của sản phẩm hay của bao bì, đồ chứa sản phẩm phải khác biệt đáng kể so với những hình dáng đã phổ biến, thông thường hoặc thiết yếu trong lĩnh vực liên quan. Hình dáng phải khác xa với những hình dáng thường được coi hoặc được sử dụng cho sản phẩm liên quan, và có khả năng tạo ra một ấn tượng đối với người tiêu dùng như là một chỉ dẫn về xuất xứ thương mại.

Tuy nhiên, nếu một dấu hiệu có khả năng phân biệt được đi kèm với một dấu hiệu không có khả năng phân biệt, sự kết hợp đó được xem là có khả năng phân biệt.

Ngoài hình dáng thông thường của sản phẩm, những dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:

  1. Các ký hiệu đơn giản;
  2. Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
  3. Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
  4. Dấu hiệu có màu đơn nhất;
  5. Dấu hiệu là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc;
  6. Dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  7. Dấu hiệu mô tả địa lý;
  8. Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
  9. Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
  10. Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
  11. Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  12. Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
  13. Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
  14. Nhãn mác và khung phổ biến;
  15. Tên gọi chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  16. Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;

Nếu bạn có nhu cầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký logo công ty có thể liên hệ với InvestOne Law Firm để luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí cho bạn.

Nguồn tham khảo:

1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
2. Thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
3. Tư liệu, thông tin liên quan trên Internet;

Ngày cập nhật: 12/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50