Các dấu hiệu mô tả địa lý không thể đăng ký là nhãn hiệu

Các dấu hiệu mô tả địa lý không thể đăng ký là nhãn hiệu

Các dấu hiệu mô tả địa lý là tên, thuật ngữ, các dấu hiệu hình hoặc dấu hiệu hỗn hợp chỉ ra hoặc thể hiện một nội dung về nguồn gốc địa lý. Các thuật ngữ địa lý bao gồm tên của bất kỳ vị trí địa lý nào, không chỉ là những ranh giới mang tính chính trị mà còn gồm tên của hiện tượng địa lý hoặc địa hình bao gồm sông, núi, sa mạc, rừng, đại dương, hồ, v.v..

Một dấu hiệu bao gồm hoặc chứa một thuật ngữ địa lý, hoặc một yếu tố hình có ý nghĩa hoặc nghĩa mang tính địa lý có thể có đủ tính phân biệt để được nhận ra và có chức năng như một nhãn hiệu trong thương mại. Tuy nhiên, một dấu hiệu địa lý có thể có tính mô tả khi được sử dụng với các hàng hóa và dịch vụ nhất định. Trong trường hợp này, dấu hiệu đó phải bị từ chối bảo hộ.

Ví dụ, “BOHEMIA” có tính mô tả địa lý đối với bia, chỉ ra rằng vùng Bohemia (Cộng hòa Séc) thực tế là vùng sản xuất bia. Bohemia cũng là một vùng được biết đến với các sản phẩm pha lê truyền thống. Chính vì thế các quan hệ địa lý như đối với các sản phẩm “beer”“crystal” là hiển nhiên. Trên cơ sở quan hệ địa lý đó, các nhãn hiệu sau bị từ chối ở Malaysia:

  • “BOHEMIA” đối với sản phẩm bia (nhóm 32) – Đơn số 92008724 – CERVECERIA CUAUHTEMOC S.A. DE C.V.
  • “Bohemian-Art” đối với đồ và vật đựng gia dụng hoặc đồ dùng nhà bếp, kính bán thành phẩm, đồ thủy tinh, đồ sứ và đồ bằng đất nung (nhóm 21) – Đơn số 07005436 – SOUTHERN POTTERY (M) SDN. BHD.

Tính mô tả của một dấu hiệu địa lý nên được đánh giá trong khi có các nhân tố sau:

  • Trong trường hợp một bộ phận cộng đồng liên quan tại một nước biết hoặc nhận ra dấu hiệu đó như là một thuật ngữ địa lý hoặc là một dấu hiệu địa lý chỉ ra được một vị trí địa lý;
  • Trong trường hợp một bộ phận cộng đồng liên tưởng địa điểm được nêu ra hoặc chỉ ra qua dấu hiệu địa lý với hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể trong đơn.

Nếu một dấu hiệu địa lý không được cộng đồng biết đến, hoặc được biết đến nhưng không được nhận ra như một địa điểm thực tế hoặc có khả năng là nơi xuất xứ của các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định, dấu hiệu này sẽ không được xem là có tính mô tả địa lý.

Sau đây là ví dụ về tên địa lý có thể được coi như có tính mô tả đối với các hàng hóa cụ thể:

  • “PARIS” đối với quần áo và mỹ phẩm;
  • “NETHERLANDS” đối với đồ uống có cồn;
  • “ATLANTIC” đối với tôm và cá hồi;

Các dạng tính từ của các tên địa lý phải được đồng nhất với tên địa lý và được chấp nhận hoặc bị từ chối trên cùng các cơ sở về tính mô tả. Ví dụ, “PARIS”“PARISAN” nên cùng được xem là các thuật ngữ địa lý. Thậm chí nếu từ “parisian” không là tên địa lý của bất kỳ địa danh cụ thể nào thì vẫn sẽ được coi là có tính mô tả địa lý vì nó trực tiếp chỉ ra thành phố Paris ở Pháp.

Ở Việt Nam, dấu hiệu sau bị từ chối đăng ký đối với bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào bởi vì “Ha Noi” là tên thủ đô của Việt Nam:

Hà Nội logo
Đơn số 4-2008-16905

Tuy nhiên, dấu hiệu sau bao gồm tên “Hanoi” trong một kết hợp với yếu tố có tính phân biệt “TCIC” thì được chấp nhận. Trong trường hợp này, yếu tố địa lý “Hanoi” được thể hiện nhỏ hơn, có thể hiểu như một sự bổ sung thông tin về mặt địa lý:

TCIC Hà Nội logo
Đơn số 4-2011-01766

Các dấu hiệu mô tả địa lý kỳ lạ, mơ hồ hoặc có vai trò gợi ý

Một tên địa lý mà thông thường không chỉ ra một địa điểm có thể hoặc có khả năng là nơi xuất xứ của các sản phẩm cụ thể, và không thể được coi là có tính mô tả bất kỳ đặc điểm nào liên quan đến xuất xứ địa lý của các hàng hóa hoặc dịch vụ thì không có “tính mô tả” về mặt địa lý và không nên bị từ chối.

Điều tương tự cũng áp dụng với tên mà chỉ đơn giản mang tính gợi ý về một địa điểm hoặc vị trí xuất xứ cụ thể.

Ví dụ, “MONT BLANC”, “ANNAPURNA” hoặc “EVEREST” (tên của các đỉnh núi), “SERENGETI” (tên của một sa mạc), và “NIAGARA” (tên của một thác nước) có thể được đăng ký nhãn hiệu để phân biệt các phương tiện để viết, dụng cụ chiếu sáng và đốt nóng, kính mắt và thấu kính, và các thiết bị và phụ kiện vệ sinh.

Các ví dụ khác về tên địa lý là các nhãn hiệu có tính phân biệt đối với các sản phẩm cụ thể:

  • “TICINO” (một bang của Thụy Sĩ) đối với các phụ kiện và phụ tùng điện;
  • “DUNLOP” (một họ của người Scotland) đối với pin, dụng cụ quang học, kính và thấu kính;
  • “TUCSON” (một thành phố ở bang Arizona, Mỹ), “TORINO” (một thành phố của Ý) và “PLYMOUTH” (một thành phố của Anh) đối với ô tô;

Tương tự, “ALASKA” (một bang của Mỹ) khi đăng ký đối với sữa và các sản phẩm bơ sữa khác, và “MANHATTAN” (một quận ở thành phố New York, Mỹ) khi đăng ký đối với quần áo và các loại giày dép có thể được chấp nhận.

Những cái tên như vậy không mô tả vị trí địa lý nơi chế tạo hoặc sản xuất những sản phẩm đó vì quan hệ giữa hàng hóa và tên địa lý là mơ hồ, kỳ lạ hoặc đơn giản chỉ mang tính gợi ý. Vì thế, chúng có thể có chức năng như nhãn hiệu trong thương mại.

Các tên địa lý của thành phố, vùng miền, tỉnh hoặc các địa điểm khác mà không được người tiêu dùng và giới kinh doanh liên quan tại quốc gia đó biết đến, hoặc bản thân các tên địa lý này không được biết đến hoặc không thể là nơi xuất xứ hoặc sản xuất của hàng hóa (hoặc dịch vụ) mang nhãn hiệu, thì không nên được xem là có tính mô tả địa lý và có thể được chấp thuận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Điều này có thể được xác định bằng cách chứng minh rằng liệu sự liên hệ tới với địa lý đó có được biết đến hoặc phổ biến qua thực tiễn thương mại hoặc kinh doanh liên quan.

Ví dụ, tên “CANTA” chỉ ra một thị trấn nhỏ ở Peru sẽ không nên được xem là có tính mô tả địa lý (ví dụ chỉ ra xuất xứ hoặc nguồn gốc địa lý) nếu nó được sử dụng như một thương hiệu cho các dụng cụ khoa học, hàng hải, khảo sát, chụp ảnh, điện ảnh, quang học, cân nặng và đo lường. Đối với những sản phẩm này, tên “CANTA” sẽ được công chúng nhận thức như một cái tên kỳ lạ, không liên quan đến xuất xứ địa lý thật hoặc có khả năng là thật của các sản phẩm này.

Khả năng liên hệ về địa lý trong tương lai

Dấu hiệu địa lý có thể bị từ chối chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu dựa trên cơ sở tính mô tả nếu dấu hiệu địa lý đó hiện tại không được sử dụng tại một quốc gia nhưng, trong một phân tích từ chối, có thể được giả định là được sử dụng hoặc được biết đến tại quốc gia đó do sự phát triển trong quan hệ buôn bán của quốc gia đó.

Một sự liên hệ có thể thấy trước được của những hàng hóa nhất định với một xuất xứ địa lý cụ thể có thể được đánh giá qua nhận thức của những thành viên trong cộng đồng kinh tế địa phương, giới buôn bán địa phương và từ những dữ liệu và thông tin phản đối đã có, ví dụ như trên internet.

Những thông tin như vậy là ở thời điểm hiện tại và có thể được hình thành tại thời điểm nộp đơn nên không thể đơn thuần được coi là chỉ mang tính lý thuyết hoặc suy đoán. Sự từ chối dựa trên những cơ sở này có thể là do sự phản đối từ bên thứ ba hoặc từ cơ quan chính phủ nước ngoài có thẩm quyền. Việc từ chối sẽ không mang tính mặc nhiên nếu thẩm định viên không tiếp cận được với các thông tin liên quan đến tên địa lý đó.

Tuy nhiên, trong tương lai không rõ ràng, khả năng một số hàng hóa hoặc dịch vụ có thể bắt nguồn hoặc phát triển từ một vị trí địa lý cụ thể chỉ mang tính lý thuyết hoặc suy đoán thì không nên được sử dụng làm cơ sở để từ chối bảo hộ tên địa lý làm nhãn hiệu do tính mô tả về mặt địa lý của tên đó.

Ví dụ, nếu Ethiopia được giới buôn bán cà phê biết đến như một địa điểm xuất xứ của hạt cà phê chất lượng cao và các sản phẩm liên quan, thì tên của một vùng hoặc một địa điểm cụ thể ở Ethiopia có thể bị coi là vị trí xuất xứ của sản phẩm cafe, kể cả khi cái tên đó chưa được công chúng biết đến tại quốc gia đăng ký nhãn hiệu.

Cách tiếp cận như vậy đối với các dấu hiệu địa lý giúp ngăn chặn những ý đồ xấu trong việc đăng ký các dấu hiệu quan trọng về mặt địa lý, đặc biệt là dấu hiệu của nước ngoài.

Các dấu hiệu địa lý dạng hình

Các dấu hiệu dạng hình và hỗn hợp mà là các đặc điểm đại diện hoặc mang các đặc điểm đại diện của các tòa nhà, cấu trúc, các mốc địa hình và các hình ảnh nổi tiếng khác có thể có chức năng chỉ dẫn xuất xứ địa lý nếu chúng thể hiện sự liên hệ rõ ràng tới một nguồn gốc địa lý cụ thể. Những dấu hiệu dạng hình như vậy nên được xem xét giống như đối với các tên và thuật ngữ địa lý cho các hàng hóa và dịch vụ liên quan.

Các hình ảnh cụ thể mà liên hệ rõ ràng tới các quốc gia, vùng miền, thành phố hoặc các vị trí cụ thể khác thì có thể được một bộ phận người tiêu dùng tại một quốc gia biết đến. Ví dụ, các dấu hiệu dạng hình sau rõ ràng sẽ đưa tới một giả định rằng hàng hóa hoặc dịch vụ được phát triển hoặc có liên quan đến xuất xứ địa lý gắn với hình ảnh đó, như ví dụ dưới đây: Pháp, Hoa Kỳ, và Nhật Bản:

Dấu hiệu dạng hình sau không được phép đăng ký đối với bất kỳ loại hàng hóa và dịch vụ nào ở Việt Nam bởi dấu hiệu này là đặc điểm đại diện cho ngôi chùa Một Cột – một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội mà công chúng có thể nhận thức rằng dấu hiệu này chỉ ra nguồn gốc địa lý:

Nhãn hiệu chùa một cột
Đơn số 4-2010-17717

Các ví dụ sau về nhãn hiệu hỗn hợp chứa các yếu tố hình mà có thể được nhận ra là có liên hệ trực tiếp tới vị trí địa lý:

Bản phác thảo, hình dáng hoặc bản đồ của một quốc gia, khi có thể được xác định rõ ràng, nên được xem như dấu hiệu mô tả địa lý. Ví dụ, bản đồ cờ dưới đây là dấu hiệu mô tả địa lý:

Để xác định liệu một dấu hiệu hình hoặc dấu hiệu hỗn hợp có tính mô tả hay lừa dối về mặt địa lý hay không, thẩm định viên phải đánh giá hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể trong đơn và xem xét nhận thức và kiến thức của người tiêu dùng liên quan về dấu hiệu địa lý đó.

Các dấu hiệu địa lý chỉ ra nguồn gốc hoặc quan hệ địa lý thực

Một số dấu hiệu địa lý chỉ ra nguồn gốc địa lý hoặc quan hệ địa lý thực. Lý do có thể liên quan tới địa điểm hình thành ban đầu và địa điểm hoạt động thương mại hiện tại. Nếu các dấu hiệu đó đạt được tính phân biệt hoặc có lớp nghĩa thứ hai thông qua việc sử dụng thì có thể được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu.

Khi luật quy định rằng trường hợp dấu hiệu bao gồm hoặc chứa tên của một quốc gia, thẩm định viên có thể yêu cầu người nộp đơn nộp các bằng chứng chứng minh rằng cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó đã cho phép đăng ký nhãn hiệu này.

Các ví dụ sau về dấu hiệu chứa các thuật ngữ địa lý nhưng không bị từ chối trên cơ sở “có tính mô tả về mặt địa lý”: những dấu hiệu này có tính phân biệt và có thể được chấp thuận bảo hộ làm nhãn hiệu đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan.

  • “SINGAPORE AIRLINES”, “BANGKOK AIRWAYS”“SWISS” đối với dịch vụ vận tải hàng không;
  • “MINNESOTA RUBBER” đối với các sản phẩm được đóng khuôn làm từ cao su hoặc nhựa dùng cho mục đích công nghiệp;
  • “MYANMAR”“MANILA” đối với sản phẩm bia;
  • “YOKOHAMA” đối với lốp xe và các sản phẩm cao su liên quan;
  • “OERLIKON” đối với dụng cụ cầm tay và dụng cụ hàn điện;
  • “ZURICH” đối với các dịch vụ bảo hiểm và tài chính;
  • “VAUXHALL” đối với các ô-tô;

Khi người nộp đơn không có liên hệ nào với vị trí địa lý nằm trong nhãn hiệu được nộp để yêu cầu bảo hộ, nếu dấu hiệu có tính mô tả hoặc có tính lừa dối, thẩm định viên có thể từ chối hoặc yêu cầu bằng chứng chứng minh tính phân biệt để hủy bỏ việc từ chối này. Liên quan đến dấu hiệu mang tính lừa dối hoặc nhầm lẫn về mặt địa lý, xem bài viết này.

Ngoài các dấu hiệu mô tả địa lý, một số dấu hiệu phổ biến khác cũng không được coi là nhãn hiệu và không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được:

  1. Các ký hiệu đơn giản;
  2. Dấu hiệu là 1 ký tự đơn giản;
  3. Dấu hiệu phức tạp hoặc khó hiểu;
  4. Dấu hiệu có màu đơn nhất;
  5. Dấu hiệu là sự kết hợp trừu tượng các màu sắc;
  6. Dấu hiệu có tính mô tả về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  7. Dấu hiệu thể hiện sự tán dương;
  8. Dấu hiệu có tính chất lừa dối;
  9. Dấu hiệu có yếu tố nhà nước;
  10. Hình ảnh chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  11. Hình dáng thông thường của sản phẩm;
  12. Hình dáng sản phẩm có tính chức năng và hiệu quả kỹ thuật;
  13. Thiết kế bề mặt thông thường trên sản phẩm;
  14. Nhãn mác và khung phổ biến;
  15. Tên gọi chung, thông thường hoặc thiết yếu;
  16. Những khẩu hiệu quảng cáo đơn giản, chung chung;

Nếu bạn có nhu cầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký logo công ty có thể liên hệ với InvestOne Law Firm để luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí cho bạn.

Nguồn tham khảo:

1. Quy chế chung về Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước ASEAN;
2. Thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
3. Các hình ảnh minh họa tham khảo từ nhiều website trên Internet;

Ngày cập nhật: 24/06/2021


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50