Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Từ cuối thế kỷ XIX, khái niệm về kiểu dáng công nghiệp (KDCN) đã xuất hiện, gắn liền với khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ và các sáng tạo trong kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trên thế giới hiện có nhiều khái niệm khác nhau về đối tượng sở hữu trí tuệ này.

Định nghĩa của WIPO

Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): “Kiểu dáng công nghiệp là các khía cạnh mang tính chất trang trí hay thẩm mỹ của sản phẩm. Kiểu dáng có thể bao hàm các khía cạnh ba chiều, ví như hình dạng hoặc bề mặt của sản phẩm, hoặc các khía cạnh hai chiều, ví như mẫu hoa văn, đường nét hoặc màu sắc”.

Theo định nghĩa này, kiểu dáng công nghiệp có thể được hiểu theo một nghĩa rất rộng. Đầu tiên, nó được xác định ở tính chất trang trí hay thẩm mỹ của nó. Bên cạnh đó, nó cũng được xác định bằng biểu hiện bên ngoài của sản phẩm như họa tiết, đường nét, màu sắc hoặc ba chiều như hình khối, kết cấu của sản phẩm.

Khái niệm về kiểu dáng công nghiệp

Ví dụ minh họa về thiết kế kiểu dáng công nghiệp

Định nghĩa của pháp luật Hoa Kỳ

Theo pháp luật của Hoa Kỳ, một trong những nước phát triển hàng đầu về sở hữu trí tuệ, thì “Kiểu dáng bao gồm các đặc tính trang trí được thể hiện hay áp dụng trong một sản phẩm. Vì kiểu dáng được thể hiện ở hình dáng bên ngoài nên các đối tượng bảo hộ kiểu dáng có thể là hình dạng của một sản phẩm, là trang trí mặt ngoài của một sản phẩm, hay là sự kết hợp giữa hình dạng và trang trí bên ngoài. Một kiểu dáng trang trí bề ngoài không thể tách rời khỏi sản phẩm mà nó trang trí và do vậy không thể tự thân tồn tại một mình được”.

Như vậy, đặc tính quan trọng nhất của kiểu dáng công nghiệp là các đặc tính trang trí. Theo pháp luật Hoa kỳ, điểm mấu chốt của KDCN là nhất thiết phải gắn liền với sản phẩm mà nó trang trí, nghĩa là không có dạng KDCN tự thân tồn tại một mình.

Định nghĩa của pháp luật Việt Nam

Theo pháp luật Việt Nam, từ trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự 1995 đã quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.

Hiện nay, tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.

Theo định nghĩa này, có thể hiểu, kiểu dáng công nghiệp đơn thuần là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, hay là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với họa tiết, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp với màu sắc, hoặc là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết hợp cả họa tiết, màu sắc.

Như vậy, với tư cách là một đối tượng của sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp chỉ để cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm chứ không thể hiện các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bên trong của sản phẩm. Cách định nghĩa này của pháp luật Việt Nam cũng có nét tương đồng với định nghĩa của các nước trên thế giới khi khẳng định kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và luôn gắn liền với sản phẩm.

Chức năng kiểu dáng công nghiệp

Mặc dù các định nghĩa trên không đề cập đến các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng của sản phẩm, tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sản phẩm, vì nó là cái nhìn đầu tiên của người tiêu dùng về sản phẩm. Do đó, ngoài chức năng phân biệt hình dáng, màu sắc giữa các sản phẩm cùng loại, kiểu dáng công nghiệp còn có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng thông qua những hình dáng và màu sắc đặc trưng riêng của sản phẩm đó.

Hình dáng bên ngoài của sản phẩm cũng là yếu tố quan trọng trong việc góp phần nâng cao tiện ích của sản phẩm, giúp cho sản phẩm được sử dụng thuận lợi và phổ biến. Kiểu dáng công nghiệp luôn luôn mang tính thẫm mỹ, làm cho sản phẩm đẹp hơn, kích thích thị hiếu của người tiêu dùng muốn mua hàng nhiều hơn, qua đó làm tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng sản xuất công nghiệp

KDCN phải có khả năng sản xuất công nghiệp

Điểm mấu chốt trong các khái niệm trên là KDCN phải có khả năng áp dụng công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm, tái tạo bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp. Nếu không có yếu tố này thì không phải là kiểu dáng công nghiệp mà là sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc bản quyền tác giả). Tuy nhiên, các yếu tố như tính mới, tính sáng tạokhả năng áp dụng công nghiệp không phải là điều kiện tiên quyết để xác định thế nào là kiểu dáng công nghiệp, mà đó chỉ là điều kiện để đăng ký bảo hộ một đối tượng với danh nghĩa là KDCN.

So sánh kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu

So sánh với các đối tượng khác của sở hữu công nghiệp như nhãn hiệusáng chế thì kiểu dáng công nghiệp có những điểm khác biệt cơ bản. Chức năng quan trọng nhất của nhãn hiệu là chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Có thể hiểu rằng bất kỳ dấu hiệu nào đáp ứng được khả năng phân biệt sản phẩm, dịch vụ này với sản phẩm, dịch vụ khác đều được đăng ký là nhãn hiệu. Trong khi đó, một hình dáng bên ngoài của sản phẩm nếu được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực tương ứng thì lại không được bảo hộ như một kiểu dáng công nghiệp.

Như vậy, rõ ràng, tính sáng tạo trong kiểu dáng công nghiệp được đề cao hơn so với nhãn hiệu. Mặt khác, nhãn hiệu có thể gắn với hàng hóa hoặc dịch vụ; còn KDCN thì bắt buộc phải gắn liền với một sản phẩm nhất định vì đó là “hình dáng bên ngoài của sản phẩm”.

So sánh kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu

Giống như KDCN, sáng chế cũng là những sản phẩm của hoạt động sáng tạo do con người tạo ra. Tuy nhiên, trong khi kiểu dáng công nghiệp chỉ gắn liền với hình dáng bên ngoài của một sản phẩm nhất định thì sáng chế lại là giải pháp kỹ thuật. Sáng chế có thể thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc một quy trình được tạo ra bằng cách ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế thuộc hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Trong khi KDCN chú trọng đến tính thẩm mỹ của sản phẩm và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thì sáng chế lại là yếu tố kỹ thuật bên trong của sản phẩm. KDCN cũng không thể tách rời khỏi sản phẩm, còn sáng chế có thể là quy trình, nên có thể tồn tại không phụ thuộc vào sản phẩm.

Đối tượng của kiểu dáng công nghiệp

Về mặt khái niệm, KDCN gồm tất cả những đặc điểm thuộc về hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Chủ sở hữu có thể tiến hành các thủ tục đăng ký cần thiết để yêu cầu sự bảo hộ của Nhà nước đối với một kiểu dáng công nghiệp nhất định. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm với hình dáng bên ngoài khác biệt đều được bảo hộ. Tại Việt Nam, một số hình dáng bên ngoài của sản phẩm không được bảo hộ với danh nghĩa KDCN trong các trường hợp sau:

Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có:

Trên thị trường, có nhiều sản phẩm để đảm bảo đúng chức năng sử dụng mà hình dáng của chúng giống nhau, dù được sản xuất bởi các doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ quả bóng đá có thể được sản xuất bởi rất nhiều doanh nghiệp nhưng luôn có hình cầu. Nếu nhà nước bảo hộ cho một doanh nghiệp nào đó sản xuất bóng đá để thực hiện đúng chức năng của nó thì sẽ ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Vì vậy, đối với những sản phẩm do đặc tính kỹ thuật hay chức năng của nó buộc phải có hình dáng nhất định thì không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.

Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ thì bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học được coi là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp thường được quy định trong các bản thiết kế bằng các bản sơ đồ, bản vẽ đặc trưng. Trong trường hợp này, các bản vẽ đó đã được coi là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Vì vậy, hình dáng bên ngoài của các công trình đó sẽ không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp nữa.

Mặt khác, các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp có thể có hình dáng bên ngoài giống nhau, bởi vì hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng cũng có thể coi là do đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có; nhưng điểm quyết định sự khác biệt giữa các công trình không phải là hình dáng; mà là thiết kế bên trong công trình như vật liệu xây dựng, cách bố trí đồ trang trí, nội thất bên trong. Vì vậy, hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng không được bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp là hoàn toàn hợp lý.

Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm:

Một trong những tính năng quan trọng của kiểu dáng công nghiệp là tính thẩm mỹ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh quá trình tiêu thụ sản phẩm. Đối với những loại sản phẩm mà hình dáng bên ngoài là một trong những đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm thì việc bảo hộ cho những hình dáng đó là cần thiết.

Tuy nhiên, có những loại sản phẩm mà trong suốt quá trình sử dụng chúng ta không hề nhìn thấy nó thì kiểu dáng của sản phẩm đó không ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng. Ví dụ một số bộ phận trong động cơ của xe máy, trong suốt quá trình sử dụng chúng ta đều không nhìn thấy. Vì vậy trong trường hợp này, hình dáng của sản phẩm chỉ là đặc tính kỹ thuật bắt buộc phải có, việc bảo hộ kiểu dáng cũng là không cần thiết.

Ngày cập nhật: 12/11/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50