Những trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Những trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Từ chối cấp văn bằng bảo hộ là quyết định (thông báo) của Cục Sở hữu trí tuệ sau quá trình thẩm định thấy đơn đăng ký chưa đạt yêu cầu để bảo hộ. Thông thường, đối tượng sở hữu trí tuệ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ là do các nguyên nhân sau đây:

1. Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn đăng ký không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ.

Ví dụ nhãn hiệu đã trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã đăng ký, sáng chế không có tính mới hoặc không có khả năng áp dụng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm,…

Nguyên nhân chính dẫn đến việc bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp này thường là do thiếu sót trong quá trình tra cứu, thẩm định, đánh giá đối tượng sở hữu công nghiệp. Những luật sư có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm có thể giúp bạn đưa ra những nhận định chính xác hơn, hạn chế được khả năng bị từ chối.

2. Người nộp đơn không phản hồi, phản hồi muộn hoặc câu trả lời chưa thỏa đáng cho công văn dự định từ chối đơn đăng ký của Cục sở hữu trí tuệ.

Trường hợp này thường không bao giờ (hiếm khi) xảy ra nếu người nộp đơn là đại diện sở hữu công nghiệp (như InvestOne Law Firm chẳng hạn). Còn khách hàng tự nộp đơn do không có chuyên môn và kinh nghiệm nên thường bị lúng túng, không biết cách xử lý khi nhận được công văn từ Cục Sở hữu trí tuệ.

3. Có bên thứ ba phản đối đơn đăng ký của bạn

Ý kiến phản đối của bên thứ ba cũng là yếu tố được Cục sở hữu trí tuệ xem xét khi đưa ra quyết định cấp hay từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu trí tuệ mà bạn đăng ký. Thông thường, nếu Cục Sở hữu trí tuệ đồng tình với ý kiến phản đối của bên thứ ba thì lý do từ chối sẽ rất thuyết phục. Ví dụ rơi vào trường hợp 1 hoặc có bằng chứng chứng minh bạn không có quyền nộp đơn.

4. Người nộp đơn không nộp đầy đủ các khoản phí theo quy định

Đây có lẽ là lý do ngớ ngẩn nhất và hiếm khi xảy ra nhưng thực tế cũng đã từng có những trường hợp như vậy:

  • Do chủ sở hữu đổi ý, không có nhu cầu đăng ký bảo hộ nữa;
  • Có người không biết là phải nộp phí đăng ký thì mới được cấp văn bằng;
  • Có người vì bận rộn công việc mà quên đi nộp lệ phí;

5. Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật sở hữu trí tuệ.

Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

1. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cùng một sáng chế hoặc đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau hoặc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

6. Đơn thuộc trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất nhưng không đạt được sự thống nhất của tất cả các bên.

Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

2. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

* Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây:

  1. Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối.
  2. Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng.
  3. Cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định nếu người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối.

Trong trường hợp người nộp đơn có ý kiến phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng sẽ được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.

Tóm lại

Cho dù đơn đăng ký của bạn bị từ chối vì bất kỳ lý do nào thì việc để bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ sẽ làm lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc. Ví dụ với thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thực tế có thể bạn phải chờ đợi hơn 1 năm để nhận được văn bằng. Đó là khoảng thời gian khá dài và rất có thể kết quả từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ làm bạn phải thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh của mình.

Để hạn chế những rủi ro trên, quý khách không có chuyên môn nên tìm đến luật sư chuyên về Sở hữu trí tuệ để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết về hồ sơ pháp lý, quy trình, thủ tục đăng ký,… Và tốt nhất là ủy quyền cho luật sư thực hiện toàn bộ thủ tục bởi đây là loại công việc đòi hỏi kinh nghiệm cũng như chuyên môn.

Để tìm hiểu thêm cũng như giải đáp các vướng mắc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quý khách hàng có hãy liên hệ với InvestOne để được tư vấn miễn phí và trải nghiệm dịch vụ uy tín nhất. Điện thoại: (84) 24 32242476 hoặc email: info@investone.com.vn.

Ngày cập nhật: 09/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50