Giống cây trồng được định nghĩa là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
1. Điều kiện bảo hộ giống cây trồng
Để được bảo hộ, Giống cây trồng phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Có tính mới;
- Tính khác biệt;
- Tính đồng nhất;
- Tính ổn định;
Những tiêu chí này được giải thích cụ thể như sau:
Tính mới
Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây đó chưa được người có quyền đăng ký (hoặc người được phép của người đó) bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một (01) năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu (06) năm đối với giống cây thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn (04) năm đối với giống cây khác.
Tính khác biệt
Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu nó có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.
Các trường hợp sau được coi là biết đến rộng rãi:
- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
- Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;
- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối;
- Giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố.
Tính đồng nhất
Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
Tính ổn định
Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
2. Các bước đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ Giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:
- Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng nỗ lực và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng theo hợp đồng hoặc thảo thuận khác;
- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hoặc thừa kế quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Đối với giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng cách sử dụng ngân sách của Nhà nước, tài chính của các dự án dưới sự quản lý của Nhà nước, quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước.
Đặt tên cho giống cây trồng
Người đăng ký phải đề xuất một tên gọi phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước. Tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết thỏa thuận với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. Tên không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
- Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;
- Vi phạm đạo đức xã hội;
- Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó;
- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
- Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.
Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
Thành phần, số lượng hồ sơ
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;
- Giấy uỷ quyền nếu nộp đơn thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Nguyên tắc ưu tiên khi nộp đơn
Người đăng ký có quyền yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng.
Quy trình thẩm định đơn
Thẩm định hình thức đơn: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp đơn.
Công bố đơn: Trường hợp đơn đăng ký hợp lệ, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng công bố thông báo trên các tạp chí chuyên ngành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày đơn được chấp nhận là hợp lệ.
Thẩm định nội dung đơn:
- Thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng;
- Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng;
Khảo nghiệm kỹ thuật là tiến hành các thí nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây. Việc khảo nghiệm kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực tiến hành khảo nghiệm thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về thời hạn bảo hộ
Văn bằng bảo hộ Giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm (25 năm) đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết hai mươi năm (20 năm) đối với các giống cây trồng khác.
3. Quyền của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ
Tác giả của giống cây trồng có các quyền:
- Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Văn bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng;
- Được nhận thù lao.
Chủ văn bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:
- Sản xuất hoặc nhân giống;
- Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
- Chào hàng;
- Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;
- Xuất khẩu;
- Nhập khẩu;
- Lưu giữ để thực hiện các hành vi nêu trên.
Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ cũng có quyền ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng; thừa kế, kế thừa quyền và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
4. Nghĩa vụ của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ
Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có các nghĩa vụ sau đây:
- Nộp lệ phí khi nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định về hình thức và nội dung hồ sơ để cấp Văn bằng bảo hộ;
- Nộp phí hàng năm kể từ năm được cấp Văn bằng bảo hộ để duy trì hiệu lực của Văn bằng đó;
- Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ phải trả thù lao cho tác giả trong trường hợp tác giả được thuê hoặc làm theo hợp đồng, thỏa thuận khác;
- Trực tiếp duy trì hoặc ủy quyền cho người khác duy trì vật liệu nhân của giống được bảo hộ và cung cấp vật liệu nhân đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để lưu giữ quỹ gen, làm mẫu chuẩn và gieo trồng để kiểm tra tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống được bảo hộ;
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam khi muốn chuyển nhượng quyền sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Hạn chế quyền của chủ sở hữu
Các hành vi sau đây không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ:
- Sử dụng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại;
- Sử dụng nhằm mục đích lai tạo để nghiên cứu khoa học;
- Sử dụng để tạo ra giống cây trồng mới khác biệt với giống cây trồng đã được bảo hộ;
- Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.
Quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi:
- Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;
- Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.
6. Hủy bỏ và đình chỉ văn bằng bảo hộ
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ trong các trường hợp sau:
- Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên, trừ trường hợp quyền đối với giống cây trồng được chuyển lại cho người có quyền đăng ký;
- Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ;
- Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký thực hiện.
Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ trong các trường hợp sau:
- Tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng được các yêu cầu như tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ;
- Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí theo quy định;
- Chủ văn bằng bảo hộ không cung cấp các tài liệu cần thiết cho việc duy trì văn bằng bảo hộ theo quy định;
- Chủ bằng bảo hộ không thay đổi tên của các giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
7. Xử lý các hành vi xâm phạm quyền của chủ văn bằng bảo hộ
Các hành vi sau đây được coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ văn bằng bảo hộ:
- Khai thác, sử dụng các quyền của chủ văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ văn bằng bảo hộ;
- Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;
- Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù.
8. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005; được sửa đổi bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009;
- Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng;
- Quyết định số 11/2008/QĐ-BTC ngày 19/2/2008 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực giống cây trồng;
- Quyết định số 16/2008/QĐ-BNN ngày 28/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Trồng Trọt;
- Thông tư số 33/2009/TT-BNN ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Về việc bổ sung loài cây trồng vào Danh mục loài cây trồng được bảo hộ.
Mọi thắc mắc hãy liên hệ với InvestOne để được tư vấn chi tiết hơn. Email: info@investone.com.vn hoặc Tel: 0904.55.99.50 hoặc 024.32242476
Ngày cập nhật: 19/06/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.