Xét từ khái niệm về nhãn hiệu (là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau), về mặt lý thuyết, một dấu hiệu được coi là có thể nhận biết được bằng bất kỳ giác quan nào trong 5 giác quan của con người đều có thể có chức năng như một nhãn hiệu để giúp phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ trong thương mại.
Tuy nhiên, để một dấu hiệu không thể nhìn thấy được chấp nhận với danh nghĩa nhãn hiệu thì khả năng đăng ký sẽ phụ thuộc vào việc liệu dấu hiệu đó có thể được thể hiện bằng đồ họa hay không. Vì vậy, quyết định chấp nhận hoặc từ chối bảo hộ nhãn hiệu chứa dấu hiệu không thể nhìn thấy sẽ phụ thuộc vào sự thể hiện bằng hình họa của dấu hiệu đó.
Mặc dù cấu tạo hoặc sự thể hiện bằng hình họa của dấu hiệu là yêu cầu hình thức khi đăng ký nhãn hiệu bất kỳ, bao gồm cả nhãn hiệu nhìn thấy được, nhưng trong trường hợp dấu hiệu không nhìn thấy được thì sự thể hiện bằng hình họa của dấu hiệu đó là vô cùng quan trọng. Với cách tiếp cận này, nếu dấu hiệu không được thể hiện bằng đồ họa theo cách chấp nhận được thì dấu hiệu đó phải bị từ chối. Để người nộp đơn có thể đáp ứng quy định này, các điều kiện cụ thể về “thể hiện bằng đồ họa” cần được quy định rõ ràng.
Dấu hiệu không thể nhìn thấy nhưng phải thể hiện được bằng đồ họa
Sự thể hiện bằng hình họa thực tế của dấu hiệu khi đăng ký nhãn hiệu sẽ phụ thuộc nhiều vào bản chất của dấu hiệu và giác quan mà qua đó nhãn hiệu được cảm nhận. Sự thể hiện này cần phải hết sức rõ ràng, chính xác, đầy đủ, dễ tiếp cận, dễ hiểu, lâu bền và khách quan. Phương tiện sử dụng để thể hiện đồ họa cần phải ổn định, rõ ràng và khách quan.
Việc thể hiện đồ họa của dấu hiệu mà có thể thay đổi theo thời gian hoặc dẫn tới cách hiểu chủ quan theo cách khác sẽ làm cho nhãn hiệu đó bị xác định một cách chủ quan. Sự mập mờ này sẽ gây ra sự không chắc chắn về pháp lý cho chủ nhãn hiệu và các đối thủ cạnh tranh. Do đó, để được chấp nhận thì sự thể hiện bằng hình họa của dấu hiệu phải luôn đảm bảo tính khách quan để phạm vi bảo hộ được thiết lập một cách chắc chắn trong tương lai.
Sự thể hiện bằng hình họa phải được trình bày trực quan bằng định dạng hai chiều. Điều này có nghĩa là sự thể hiện đó phải sử dụng những đường nét, hình ảnh, ký tự có thể in được trên giấy hoặc dưới dạng có thể in được trên giấy.
Những quy định sau đây được áp dụng để quyết định liệu sự thể hiện bằng hình họa đã đầy đủ hay chưa và cần được áp dụng đối với những dấu hiệu không nhìn thấy được, đó là những dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác.
1. Dấu hiệu có thể nhận biết bằng thính giác
Nếu dấu hiệu gồm giai điệu, tiếng chuông, tiếng động, bài hát hoặc các âm thanh khác được thể hiện một cách rõ ràng và chính xác bằng hệ thống ký hiệu âm nhạc, thì những ký hiệu âm nhạc như vậy phải được gửi kèm theo đơn đăng ký nhãn hiệu và như vậy đủ để đáp ứng yêu cầu thể hiện bằng đồ họa.
Nếu dấu hiệu gồm âm thanh không phải của nhạc cụ hoặc tiếng động không thể thể hiện một cách chính xác và rõ ràng bằng các ký hiệu âm nhạc và nếu những dấu hiệu như vậy có thể được chấp nhận đăng ký theo luật, thẩm định viên có thể yêu cầu thể hiện đồ họa dưới dạng biểu đồ sóng âm thanh (sonogram), hình ảnh sóng âm thanh (sonograph) hoặc dao động đồ kèm theo một tệp ghi âm điện tử (bản ghi âm) tương ứng nộp thông qua hệ thống nộp đơn điện tử hoặc với định dạng điện tử chuẩn.
Những sự thể hiện khác của nhãn hiệu âm thanh sẽ không được coi là sự thể hiện bằng hình họa đủ rõ ràng. Ví dụ, việc mô tả âm thanh hoặc tiếng động bằng văn bản, hoặc việc giải thích có sử dụng các từ ngữ tượng thanh sẽ không được chấp nhận.
2. Dấu hiệu có thể nhận biết bằng khứu giác
Dấu hiệu chỉ có thể nhận biết được bằng khứu giác thì khó có thể thể hiện được bằng đồ họa một cách rõ ràng, chính xác, dễ tiếp cận, dễ hiểu, lâu bền và khách quan.
Công thức hóa học của một chất dùng để tạo ra một mùi vị nào đó sẽ không cho phép mùi vị đó được nhận biết bởi thẩm định viên. Nó thiếu “tính tiếp cận dễ dàng” bởi vì mỗi khi sản xuất ra chất này cần có sự so sánh.
Một ví dụ vật lý về nguyên liệu tạo ra mùi vị thì khó mà thể hiện bằng “đồ họa” và nhìn chung sẽ không thể ổn định và lâu bền được. Cơ quan Nhãn hiệu không được trang bị để nhận và bảo quản những nguyên liệu mẫu như vậy, do đó việc thiếu khả năng tiếp cận đối với nhãn hiệu sẽ là một rào cản.
Việc mô tả mùi vị không thể coi là khách quan bởi vì việc mô tả như vậy sẽ cho phép những cách hiểu chủ quan, hoặc cách hiểu khác nhau. Do đó, hiện tại chưa có bảng phân loại khách quan được quốc tế thừa nhận đối với những mùi vị có khả năng áp dụng vào mục đích đăng ký nhãn hiệu.
3. Dấu hiệu có thể nhận biết bằng vị giác
Dấu hiệu chỉ có thể nhận biết được bằng vị giác khó có thể được thể hiện bằng đồ họa một cách rõ ràng, chính xác, dễ tiếp cận, dễ hiểu, lâu bền và có mục đích.
Lý do phản đối tương tự như trên, liên quan đến những dấu hiệu có thể nhận biết bằng khứu giác, sẽ được đưa ra đối với với những dấu hiệu có thể nhận biết bằng vị giác.
4. Dấu hiệu có thể nhận biết được bằng xúc giác
Dấu hiệu nhận biết được bằng xúc giác có thể sử dụng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt, dành cho những người khiếm thị, mặc dù họ cũng cần được tính là người tiêu dùng nói chung.
Những nhãn hiệu “xúc giác” này có thể được thể hiện bằng đồ họa theo nghĩa dấu hiệu này có những đặc điểm vật lý của một sản phẩm cụ thể hoặc của bao gói, hoặc của đồ vật được sử dụng liên quan đến dịch vụ mà nhãn hiệu được sử dụng.
Những quy định và tiêu chí đối với nhãn hiệu “ba chiều” cũng sẽ được áp dụng có điều chỉnh đối với những nhãn hiệu này. Những điều kiện thông thường liên quan đến tính phân biệt và tính chức năng cũng phải được đáp ứng.
Xem thêm: Các dấu hiệu có thể sử dụng để đăng ký làm nhãn hiệu.
Ngày cập nhật: 25/06/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.