Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “first to file”

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “first to file” trong Sở hữu trí tuệ

Hiện nay trên thế giới đang sử dụng 2 nguyên tắc nộp đơn khi đăng ký bảo hộ các đối tượng Sở hữu trí tuệ, đó là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “first to file” và nguyên tắc sử dụng đầu tiên “first to use”, trong đó luật Việt Nam (quy định tại Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009) áp dụng theo nguyên tắc first-to-file.

Nguyên tắc first to use ra đời từ rất sớm cùng với Luật nhãn hiệu đầu tiên được ban hành nhưng trong quá trình áp dụng thực tiễn thấy nhiều điểm hạn chế nên nguyên tắc first to file được ra đời để khắc phục những hạn chế của nguyên tắc first to use.

Nội dung của Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

1. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký có đối tượng Sở hữu công nghiệp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhau, thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

2. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng được các điều kiện bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho 01 đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả chủ đơn. Nếu các chủ đơn không thoả thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối bảo hộ.

Như vậy, theo nguyên tắc First-to-file, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể nộp đơn đăng ký sớm nhất đối với cùng một đối tượng thuộc quyền Sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,… chứ không phải là người đầu tiên sáng tạo ra nó.

Vai trò của nguyên tắc “First-to-file

Trong thực tế chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp các ý tưởng vô tình bị trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau. Sự giống nhau này ít khi xảy ra với sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp nhưng rất phổ biến với nhãn hiệu. Với nguyên tắc “first to file”, pháp luật chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 01 chủ sở hữu duy nhất là người đầu tiên nộp đơn đăng ký. Điều này tránh được việc “ăn cắp ý tưởng”, “lợi dụng thương hiệu” của người khác để cạnh tranh không lành mạnh.

Dù bạn không cố tình “bắt chước” nhưng nếu bạn nộp đơn đăng ký sau thì kết quả là đơn của bạn sẽ bị từ chối bảo hộ. Điều này sẽ thôi thúc chủ thể sáng tạo phải đăng ký bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình càng sớm càng tốt để có lợi thế dựa trên nguyên tắc “first-to-file”. Điều này đồng nghĩa với việc giúp nâng cao ý thức của chủ thể sáng tạo để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nguyên tắc này cũng giúp giảm bớt các tranh chấp trong thực tế, Cơ quan nhà nước dễ dàng xác định chủ thể sáng tạo nào được cấp văn bằng.

Điểm hạn chế

Dựa trên thực tế áp dụng thì nguyên tắc first to file cũng đang bộc lộ một số hạn chế nhất định. Mặc dù nó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cơ quan đăng ký, nhưng trong một số trường hợp vì mục đích trục lợi mà một số người đã “đăng ký hộ” nhãn hiệu cho các doanh nghiệp khiến cho các doanh nghiệp “khóc dở, mếu dở” để đòi lại được nhãn hiệu của mình. Xem thêm: Vấn nạn bảo hộ nhãn hiệu “ăn theo” những thương hiệu nổi tiếng

Để khắc phục tình trạng này hầu như các quốc gia đều quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu trong một thời gian nhất định. Nếu không sử dụng nhãn hiệu thì có thể yêu cầu hủy hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhằm tạo điều kiện cho chủ sở hữu có thể lấy lại được nhãn hiệu của mình đồng thời phát huy được hết mục đích thương mại của nhãn hiệu.

Tuy nhiên nguyên tắc “first – to – file” vẫn được coi là nguyên tắc quan trọng nhất và là cơ sở pháp lý đầy đủ nhất trong việc chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu trong hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới như pháp luật của EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam,…

Danh sách các quốc gia áp dụng theo Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Không chỉ tại Việt Nam, nguyên tắc first-to-file được rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới sử dụng:

STTQuốc GiaSTTQuốc GiaSTTQuốc Gia
1Algeria21Liên minh châu âu41Peru
2Anguilla22Phần Lan42Philippines
3Argentina23Pháp43Ba Lan
4Áo24Đức44Qatar
5Bêlarut25Hy Lạp45Rumani
6Belize26Guatemala46Nga
7Benelux27Hungary47Slovenia
8Bôlivia28Iran48Hàn Quốc
9Botswana29Nhật Bản49Tây Ban Nha
10Brazil30Jordan50Syria
11Chile31Kazakhstan51Đài Loan
12Trung Quốc32Kuwait52Nhật Bản
13Colombia33Kyrgyzstan53Ukraine
14Croatia34Litva54Vương quốc Anh
15Curacao35Mexico55Venezuela
16Cộng hòa Séc36Moldova56Việt Nam
17Cộng hòa Dominican37Montenegro57Zambia
18Ecuador38Nicaragua
19El Salvador39Nigeria
20Estonia40Na Uy

Qua việc phân tích các quy định trong pháp luật của một số quốc gia có thể thấy rằng về cơ bản nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first – to – file) vẫn là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất, là cơ sở pháp lý đầy đủ nhất trong việc chấp nhận đơn đăng ký trong hệ thống pháp luật nhãn hiệu hiện đại của các quốc gia. Tuy nhiên hiện nay một số quốc gia (điển hình là Mỹ) vẫn áp dụng song song cả hai nguyên tắc first to file và first to use bởi dù có điểm hạn chế lớn nhưng nguyên tắc first to use vẫn đóng góp một vai trò nhất định của nó.

Ngày cập nhật: 23/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50