Ý nghĩa của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa

Vấn nạn bảo hộ nhãn hiệu "ăn theo" những thương hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 11 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 3 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho doanh nghiệp độc quyền ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn. Nếu không đăng ký, việc đầu tư tiếp thị một sản phẩm của doanh nghiệp có thể trở nên vô ích bởi vì công ty đối thủ có thể sử dụng nhãn hiệu giống hoặc gây nhầm lẫn. Khi đó, người tiêu dùng có thể bị mắc lừa khi mua sản phẩm của đối thủ. Doanh nghiệp có nhãn hiệu sẽ bị thất thu, thậm chí bị tổn hại danh tiếng nếu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có chất lượng thấp.

Đó là lý do Nhãn hiệu hàng hóa không chỉ còn là thông điệp và sự bảo đảm của nhà sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng mà đã trở thành giá trị kết cấu của nền kinh tế, vì thế sự bảo hộ của Nhà nước và rộng hơn là của pháp luật quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hóa trở nên vô cùng cần thiết.

Vai trò của nhãn hiệu

Vai trò quan trọng nhất của mỗi nhãn hiệu hàng hóa chính là chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chức năng phân biệt không phải là chức năng duy nhất của nhãn hiệu hàng hóa, mà nhãn hiệu hàng hóa còn có các chức năng khác nhau như: “Chức năng bảo đảm chất lượng, chức năng chỉ dẫn nguồn gốc, chức năng quảng cáo, chức năng kiểm tra và tổ chức thị trường”.

1. Đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu

Theo khái niệm về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có thể hiểu rằng, khi chủ sở hữu đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu hàng hóa của mình, họ sẽ được luật pháp công nhận và được bảo vệ về mặt pháp lý. Theo đó, họ có toàn quyền thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển danh tiếng của mình trên thị trường.

2. Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế

Nhãn hiệu hàng hóa là tài sản vô hình quý giá bậc nhất của doanh nghiệp, là đối tượng sở hữu công nghiệp gắn chặt nhất với quá trình lưu thông hàng hóa. Thông qua nhãn hiệu hàng hóa, nhà sản xuất có thể đánh dấu hàng hóa của mình sản xuất khi đưa ra thị trường, có thể quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ hay cho chính doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh lưu thông, tăng doanh số hàng hóa của mình.

Và cũng chính thông qua nhãn hiệu hàng hóa, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, sở thích, yêu cầu chất lượng và khả năng tài chính của mình. Đó chính là nguyên cớ để các nhà sản xuất kinh doanh không ngừng đầu tư tiền của và công sức nhằm xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa uy tín.

Tuy nhiên, để tạo ra được một nhãn hiệu hàng hóa có uy tín, nhà sản xuất phải có sự đầu tư về sản phẩm. Nhãn hiệu hàng hóa có uy tín thường đi kèm với hàng hóa, dịch vụ có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước. Và để đạt được lợi ích kinh doanh đó, nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, củng cố chất lượng nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của những người tiêu dùng thông minh và khó tính. Và như vậy, nhãn hiệu hàng hóa trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, tạo nên uy tín và sự phát triển của các nhà kinh doanh.

Bảo hộ nhãn hiệu góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh

Có thể thấy việc sử dụng đúng đắn chức năng của nhãn hiệu hàng hóa theo đúng pháp luật sẽ tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế do ham lợi, muốn đạt lợi nhuận nhanh chóng và bằng mọi cách rẻ nhất, người ta đã làm hàng giả, bắt chước hoặc nhái theo các thương hiệu nổi tiếng để sản xuất các hàng hóa kém chất lượng và bán với giá rẻ hơn.

Hậu quả được đổ lên đầu cả người tiêu dùng, nhà sản xuất, lẫn toàn bộ nền kinh tế. Người tiêu dùng thiếu lòng tin vào chất lượng và uy tín sản phẩm khiến nhà sản xuất không muốn đầu tư sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu của mình, và nền kinh tế đương nhiên bị triệt tiêu sức sản xuất. Thị trường sẽ không còn bình đẳng cho mọi doanh nghiệp khi sản phẩm của những kẻ làm nhái, làm giả được mang thương hiệu nổi tiếng dù không cần thời gian cũng như chi phí đầu tư lại bán được với giá rẻ có thể cạnh tranh với những sản phẩm của trí tuệ.

Trước thực tế đó, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo cho họ một sân chơi lành mạnh giữa những nhà sản xuất đúng nghĩa với những sản phẩm của trí tuệ thực sự. Sự bảo hộ nhãn hiệu loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng đối với những sản phẩm, dịch vụ tương tự không bảo hộ.

Bảo hộ nhãn hiệu đôi khi là bảo hộ sản xuất trong nước

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không thỏa đáng có thể được xem là cạnh tranh thiếu lành mạnh và trở thành rào cản đối với việc mở cửa thị trường. Trong một số trường hợp, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thực chất là việc bảo hộ sản xuất trong nước, chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm quốc tế vào thị trường trong nước.

Vụ kiện cá tra, cá basa và nhãn hiệu CATFISH (xem chi tiết) chính là bài học đắt giá về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ nói riêng và thị trường nước ngoài nói chung.

Xem thêm: Vai trò của nhãn hiệu trong giai đoạn gia nhập thị trường

3. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp

Nhãn hiệu hàng hóa tạo ra giá trị cho sản phẩm, khách hàng sẽ rất sẵn lòng trả giá cao hơn để được sử dụng sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu mà họ yêu thích. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó thường xuyên hơn, vì vậy, giá trị mang lại cho doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Chính vì thế, việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu là việc làm nhằm tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm, dịch vụ của mình với những sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác và đây cũng chính là một trong những phương pháp nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị của doanh nghiệp.

4. Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng

Người tiêu dùng là một chủ thể quan trọng không thể thiếu để tạo nên thị trường đa dạng và sôi động như hiện nay. Bởi vậy, trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng lại là người sẽ phải chịu những hậu quả trực tiếp từ những hàng hóa thiếu chất lượng.

Với người tiêu dùng, nhãn hiệu hàng hóa có vai trò vô cùng quan trọng. Trong nhịp sống sôi động và bận bịu, với vô vàn các mặt hàng, dịch vụ luôn đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng thì việc bỏ thời gian lựa chọn loại sản phẩm yêu thích và thiết yếu dường như là không thể.

Người tiêu dùng chủ yếu đưa ra quyết định lựa chọn dựa trên kinh nghiệm tiêu dùng, cụ thể chính là sự hiểu biết và tin tưởng của họ về các nhãn hiệu hàng hóa khác nhau của cùng một loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể khôn ngoan tới mức họ có thể phân biệt được các hàng hóa mang nhãn hiệu thật với những sản phẩm làm nhái, làm giả đầy tinh vi như hiện nay.

Việc mua nhầm xảy ra thường xuyên hơn và hậu quả là không thể lường được. Khi đó, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ người tiêu dùng. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo sợ khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

5. Bảo hộ nhãn hiệu là bảo hộ lợi ích quốc gia

Vì việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chỉ mang tính lãnh thổ nên một nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ đầy đủ ở Việt Nam sẽ không được bảo hộ ở các quốc gia khác nếu không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước đó.

Như vậy, trong trường hợp các hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nếu các doanh nghiệp chưa kịp thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước đó thì rất dễ xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể bị đối tác hoặc các doanh nghiệp khác trên thị trường nước ngoài đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình tại thị trường đó.

Khi đó, việc xuất khẩu hàng hóa với nhãn hiệu hàng hóa đó của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này sẽ trở thành hành vi phạm pháp vì đương nhiên, doanh nghiệp Việt Nam bị cấm xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ với nhãn hiệu hàng hóa đã được doanh nghiệp khác đăng ký.

Trên thực tế những năm vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc xây dựng các sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, tạo được uy tín trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đưa những sản phẩm này ra thị trường nước ngoài, họ, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần vì chậm chân đã để các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt mất nhãn hiệu hàng hóa của mình đơn giản chỉ bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường xuất khẩu.

Kết quả tất yếu là chúng ta mất đi thị trường tiềm năng ở nước ngoài. Điều này thực sự là một tổn thất đối với nền kinh tế Việt Nam khi mà tổng thu nhập quốc dân phần lớn là đóng góp doanh thu của các ngành có sản phẩm xuất khẩu.

Pháp luật bảo hộ nhãn hiệu là môi trường pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài

Ngoài ra, pháp luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài. Khi tìm hiểu cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc tài sản của họ khi đầu tư vào một nước có được pháp luật bảo hộ hay không, đặc biệt là các tài sản trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa.

Nếu đứng trước thực trạng nhãn hiệu hàng hóa không được bảo hộ hoặc bảo hộ kém hiệu quả, họ luôn dự kiến được khả năng sản phẩm gắn nhãn hiệu của mình sẽ bị sao chép, làm giả hoặc sẽ có rất nhiều nhãn hiệu tương tự gắn lên các sản phẩm cùng loại được bán với giá rẻ thì nhiều khả năng là họ sẽ lựa chọn một quốc gia khác nơi mà nhãn hiệu hàng hóa của họ được bảo hộ tốt hơn.

Ngày cập nhật: 14/10/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50