Vấn nạn bảo hộ nhãn hiệu “ăn theo” những thương hiệu nổi tiếng

Vấn nạn bảo hộ nhãn hiệu "ăn theo" những thương hiệu nổi tiếng

Mặc dù hầu hết các nước đều công nhận, về nguyên tắc, rằng các nhãn hiệu nổi tiếng là đối tượng được bảo hộ rộng rãi, nhưng đôi khi vẫn có thể có những sự khác nhau đôi chút giữa luật pháp các nước về vấn đề thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng và việc cấp bảo hộ đối với các nhãn hiệu này. Do đó, ngay cả chủ của nhãn hiệu được cho là nổi tiếng ở khắp các nước trên thế giới vẫn có thể vấp phải những tình huống và các phán quyết gây hoang mang.

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, đặc biệt là với công nghệ internet, việc quảng cáo, sự phát triển và danh tiếng của một sản phẩm hoặc một dịch vụ thường vượt ra khỏi biên giới quốc gia bán hàng của chủ nhãn hiệu. Do đó, một nhãn hiệu được sử dụng một cách rộng rãi và có danh tiếng ở một quốc gia cũng có thể trở nên nổi tiếng ở các quốc gia nơi mà chủ nhãn hiệu thậm chí còn chưa có ý định sử dụng hoặc đăng ký nhưng cũng có nguy cơ không được bảo hộ bởi lẽ Luật quốc gia ở các nước theo hệ thống dân luật (nơi điều kiện để được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu thường nghiêng về sự kiện đăng ký hơn là sự kiện sử dụng).

Những logo nhái thương hiệu Adidas
Những logo nhái thương hiệu Adidas

Những kẻ vi phạm độc quyền nhãn hiệu thường tìm cách chiếm đoạt quyền của chủ sở hữu hợp pháp bằng cách đăng ký nhãn hiệu trước chủ đích thực của các nhãn hiệu này. Và rằng các quốc gia này cũng không là thành viên của công ước Paris hay hiệp định TRIPs.

Điển hình cho thực trạng này là trường hợp Nintendo of America and Nintendo Ltd. kiện Atari Mundial (Toà án Tối cao Venezuela, 3/8/1995), liên quan tới một hãng sản xuất trò chơi video đã nộp đơn nhãn hiệu hàng hoá cho nhãn hiệu NINTENDO. Vì Venezuela là nước theo hệ thống “first-to-file” nên hãng sản xuất này đã tuyên bố rằng vì họ nộp đơn đầu tiên nên có quyền độc quyền đối với nhãn hiệu NINTENDO ở Venezuela.

Trong khi tuyên bố NINTENDO là một thương hiệu nổi tiếng, nhưng lại không xác định bên nào có quyền đăng ký nhãn hiệu này ở Venezuela, toà án đã cho Nintendo America một chiến thắng hữu danh vô thực nhưng đã không công nhận sự bồi thường cho Nintendo America. Tuy nhiên, cuối năm đó Venezuela gia nhập Công ước Paris, và các chủ nhãn hiệu có thể an tâm rằng từ giờ các nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ ở Venezuela theo Điều 6bis của Công ước Paris.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại Tình trạng xin bảo hộ cho các nhãn hiệu “ăn theo” những tên tuổi lớn trên thế giới đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Cũng rất nhiều những đơn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu từ phía các doanh nghiệp Việt Nam xâm phạm đến các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới nhưng đã bị Cục Sở Hữu Trí Tuệ từ chối:

Một hãng kẹo tại TP.HCM xin đăng ký nhãn hiệu kẹo Honda nhưng Cục từ chối cấp đăng ký vì nếu đặt tên trùng sẽ không tránh khỏi gây ra khả năng nhầm lẫn đó là sản phẩm của hãng Honda Nhật Bản.

Bên cạnh đó cũng rất nhiều những trường hợp các công ty nước ngoài vào Việt Nam xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu những đã bị từ chối vì có hành vi xâm phạm đến các nhãn hiệu nổi tiếng khác như:

Năm 1992, Cục đã bác bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá “McDonald’s” của một công ty Australia cho các sản phẩm đồ ăn nhanh, dịch vụ ăn uống và các nhóm sản phẩm khác. Cục có đủ thông tin để khẳng định “McDonald’s” là thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cho đồ ăn nhanh và dịch vụ ăn nhanh của Công ty McDonald’s Corporation (Hoa Kỳ) mặc dù Công ty này chưa từng đăng ký và sử dụng nhãn hiệu trên tại Việt Nam.

Năm 1993, Cục SHTT đã xem xét và quyết định huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 4854 cấp cho OPHIX GROUP (Australia) đối với nhãn hiệu “Pizza Hut” trên cơ sở đơn khiếu nại của Công ty Pizza Hut International, LLC (Hoa Kỳ). Công ty Hoa Kỳ đã chứng minh được sự nổi tiếng của thương hiệu mặc dù chưa được đăng ký bảo hộ cũng như chưa từng sử dụng ở Việt Nam.

Năm 1998, Cục SHTT cũng đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu “MILIKET” của một cơ sở thuộc thành phố Hồ Chí Minh cho sản phẩm vở học sinh vì dễ dàng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mì “MILIKET” của Công ty thực phẩm quận 5.

Trong xu thế toàn cầu hóa, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng. Các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm về kinh tế thị trường nên nhiều kinh nghiệm và một số công ty lại nhiều thủ đoạn về quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam là một nước đi sau. Có thể nói chỉ từ năm 2000 trở lại đây, khi liên tục nhiều nhãn hiệu hàng hóa bị chiếm đoạt, doanh nghiệp Việt Nam mới ý thức được mình quá sơ suất với chính nhãn hiệu hàng hóa của mình.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng quan tâm và có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu của mình tại những thị trường có khả năng xuất khẩu. Hãy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước có đường biên giới chung dù chưa có ý định xuất khẩu hàng sang đó. Việc làm này vừa có ý nghĩa quảng bá thương hiệu, vừa ngăn chặn sản phẩm giả sẽ từ đó thẩm lậu vào Việt Nam.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và chiến thắng không phải bao giờ cũng mỉm cười với tất cả. Doanh nghiệp cần có kế hoạch cho việc xây dựng thương hiệu và phát triển quyền sở hữu trí tuệ. Làm thế nào để bảo hộ xây dựng và phát triển nhãn hiệu của mình một cách hiệu quả với một chi phí phù hợp luôn là nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn tham khảo:

1. Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin trên Internet;

Ngày cập nhật: 19/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50