1. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005; được sửa đổi bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009;
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010;
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011;
- Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
2. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Tờ khai (02 tờ theo mẫu);
+ Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ thiết kế bố trí (04 bộ);
+ Mẫu mạch tích hợp được sản xuất theo thiết kế (04 mẫu);
+ Bản mô tả mạch tích hợp;
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
3. Thời hạn giải quyết:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
– Công bố đơn: 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
– Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: 03 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Mọi thắc mắc hãy liên hệ với InvestOne để được tư vấn chi tiết nhất. Email: info@investone.com.vn hoặc Tel: 04 3224 2475 – 04 3224 2476.
1. Khái niệm
Mạch tích hợp bán dẫn được hiểu là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất trong số đó phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn để nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với thuật ngữ “IC”, “chíp”, “mạch vi điện tử”.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là “thiết kế bố trí”) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
2. Khả năng đăng ký
Để được bảo hộ, thiết kế bố trí phải đáp ứng các tiêu chí sau:
– Có tính nguyên gốc;
– Có tính mới thương mại.
Các tiêu chí này được giải thích cụ thể như sau:
2.1 Tính nguyên gốc
Thiết kế bố trí được coi là nguyên gốc nếu đáp ứng các tiêu chí: (i) Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả; (ii) Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc toàn bộ.
2.2 Tính mới thương mại
Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại trong trường hợp: (i) chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký; (ii) đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
* Đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí
– Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
– Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
3. Quyền đăng ký thiết kế bố trí
Các tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký thiết kế bố trí:
– Tác giả tạo ra thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Thiết kế bố trí được tạo ra mà sử dụng ngân sách Nhà nước thì quyền đăng ký sẽ thuộc về Nhà nước.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Người có quyền đăng ký thiết kế bố trí có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
4. Quy trình thẩm định đơn
Thời gian thẩm định hình thức đơn là một (01) tháng kể từ ngày nộp đơn để xác định xem các tiêu chí có đáp ứng các yêu cầu về hình thức đơn hay không.
Đơn đăng ký thiết kế bố trí được công bố dưới hình thức tra cứu trực tiếp (không sao chép) tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đối với các thông tin bí mật trong đơn thì chỉ có các cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong thủ tục hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí hoặc thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền mới được phép tra cứu. Các thông tin cơ bản về đơn đăng ký thiết kế bố trí và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí.
Với những đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ sẽ được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mà không tiến hành xét nghiệm nội dung đơn.
5. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu
5.1 Quyền của chủ sở hữu
Chủ sở hữu thiết kế bố trí có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng thiết kế bố trí đã được bảo hộ.
Việc sử dụng thiết kế bố trí được hiểu là các hành vi sau: Sao chép thiết kế bố trí; sản xuất mạch tích hợp bán dẫn theo thiết kế bố trí được bảo hộ; Bán, cho thuê, quảng cáo, chào hàng hoặc tàng trữ các bản sao thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hóa chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ; Nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí, sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hóa chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ.
Chủ sở hữu thiết kế bố trí có quyền ngăn cấm người khác sử dụng thiết kế bố trí mà không nhận được sự đồng ý/ủy quyền của mình.
5.2 Nghĩa vụ của chủ sở hữu
Chủ sở hữu thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả thiết kế bố trí.
5.3 Hạn chế quyền của chủ sở hữu
Các hành vi sau đây không bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu:
– Sử dụng thiết kế bố trí được bảo hộ không nhằm mục đích thương mại, như sử dụng cá nhân, đánh giá, phân tích, nghiên cứu hoặc giảng dạy;
– Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí đang được bảo hộ;
– Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ đã được tiếp nhận hoặc đặt hàng khi không biết hoặc không có cơ sở để biết rằng thiết kế bố trí đang được bảo hộ, nếu hành vi phân phối hoặc nhập khẩu được thực hiện sau khi đã biết về điều đó và người sử dụng trả cho chủ sở hữu một khoản tiền tương đương với khoản thanh toán cho việc chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí đó;
– Phân phối, nhập khẩu bản sao thiết kế bố trí được bảo hộ, mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí được bảo hộ do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng hoặc người sử dụng hợp pháp theo quy định tại khoản 3 của Điều này đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài;
– Sử dụng thiết kế bố trí có tính nguyên gốc được tạo ra trên cơ sở phân tích, đánh giá thiết kế bố trí được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 của Điều này, hoặc thiết kế bố trí do người khác độc lập tạo ra trùng với thiết kế bố trí được bảo hộ.
6. Thời hạn bảo hộ
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:
– Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
– Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
– Kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
7. Hủy bỏ hoặc đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí
Thiết kế bố trí sau khi được cấp Giấy chứng nhận thì bất kì ai đều có quyền nộp đơn với Cục SHTT tại bất cứ thời điểm nào để hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hoặc đình chỉ Giấy chứng nhận:
7.1 Hủy bỏ
Các căn cứ để hủy bỏ Giấy chứng nhận:
a. người được cấp Giấy chứng nhận không có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận và cũng không được người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền đó;
b. thiết kế bố trí không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
Giấy chứng nhận thiết kế bố trí sẽ bị hủy bỏ một phần nếu phần này không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
7.2 Đình chỉ
Các căn cứ để đình chỉ Giấy chứng nhận:
a) Chủ sở hữu tuyên bố từ chối trách nhiệm các quyền về Giấy chứng nhận;
b) Chủ sở hữu không còn tồn tại, và không có người thừa kế hợp pháp.
8. Xâm phạm quyền đối với thiết kế bố trí
Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu thiết kế bố trí:
– Sử dụng thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngày cập nhật: 31/07/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.