Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh và để nhanh chóng giải quyết khi xảy ra tranh chấp thì doanh nghiệp Việt Nam nên tự có cơ chế cách thức bảo vệ mình như sau:
1. Đăng ký bảo hộ sớm
Nhãn hiệu tạo ra sự khác biệt giữa nhãn hiệu nổi tiếng của doanh nghiệp với các nhãn hiệu khác trên thị trường.Việc đầu tiên cần làm là đăng ký độc quyền nhãn hiệu của mình ngay cả trong và ngoài nước càng sớm càng tốt dù rằng nhãn hiệu nổi tiếng theo cơ chế bảo hộ tự động do đó đợi đến lúc bị người khác đăng ký trước thì sẽ mất nhãn hiệu hoặc sẽ tốn kém và mất thời gian để đòi lại được quyền của mình, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký xác lập Quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam, vì điều này sẽ tạo cho chủ sở hữu cơ sở pháp lý khi bị chiếm dụng nhãn hiệu bởi các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định trước thị trường xuất khẩu tiềm năng, từ đó có chiến lược phát triển, đăng ký sở hữu công nghiệp.
Để có thể đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua một tổ chức đại diện Cục Sở hữu công nghiệp (như InvestOne Law Firm) để được tư vấn chi tiết về thủ tục và hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ.
2. Lưu trữ bằng chứng sử dụng nhãn hiệu
Doanh nghiệp cần lưu trữ đầy đủ các bằng chứng sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng trong hoạt động thương mại. Các bằng chứng “sử dụng rộng rãi” có thể được cơ quan Sở hữu công nghiệp chấp nhận là:
- Bằng chứng sử dụng liên tục từ trước (như mẫu bao bì có ghi ngày sản xuất từ trước, giấy chứng nhận/đăng ký chất lượng/vệ sinh an toàn thực phẩm…);
- Kết quả doanh số;
- Mạng lưới đại lý;
- Các mẫu quảng cáo trên báo chí và tivi;
- Các tư liệu hình ảnh, video tham gia các hội chợ;
- Kết quả điều tra, khảo sát người tiêu dùng;
- …v…v…
Việt Nam đã có quy định về “công nhận nhãn hiệu nổi tiếng” (là nhãn hiệu được sử dụng liên tục cho sản phẩm – dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu đó được biết đến một cách rộng rãi). Được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất thuận lợi cho việc bảo hộ, như việc xét nghiệm “tương tự” để cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu khác sẽ khắt khe hơn, được bảo hộ trong mọi loại sản phẩm – dịch vụ…
3. Đưa điều khoản về nhãn hiệu vào tất cả các hợp đồng đại lý, liên doanh liên kết, thay đổi tổ chức công ty, trong quan hệ công ty mẹ – công ty con
Tình trạng các đại lý, các đối tác liên doanh liên kết lạm dụng, tìm cách “nẫng tay trên” nhãn hiệu diễn ra khá phổ biến, ở cả trong nước và nước ngoài. Việc đưa các điều khoản về phạm vi sử dụng, phạm vi nhượng quyền (nếu có), cấm đăng ký tại một nước thứ ba, bắt buộc phải thông báo trước và phải được “chính chủ” chấp nhận trước khi sử dụng nhãn hiệu trong bất cứ trường hợp nào… là rất cần thiết để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng và là chứng cứ khi xảy ra tranh chấp.
“Phòng” bao giờ cũng hữu hiệu hơn là “Chống”. Khi thay đổi người góp vốn, khi thực hiện cổ phần hóa, khi chia tách – sáp nhập – giải thể doanh nghiệp,… bắt buộc phải có các hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng và sở hữu nhãn hiệu để tránh mọi rắc rối về sau. Trong quan hệ công ty mẹ – công ty con, quan hệ giữa các công ty cùng một tập đoàn, cùng tổng công ty cũng cần xác định rõ chủ quyền và cách thức chuyển giao quyền liên quan đến nhãn hiệu.
4. Tạo bản sắc nhãn hiệu nổi tiếng bằng cách sử dụng nhất quán các thành tố nhãn hiệu
Cần nhất quán về vị trí sử dụng và về màu sắc, cách viết, font chữ, tỷ lệ, cách kết hợp… các thành tố nhãn hiệu. Trong doanh nghiệp nên xây dựng một quy chế hoặc sổ tay sử dụng nhãn hiệu để mọi người, mọi nơi đều hiểu và sử dụng thống nhất. Theo thời gian, có thể điều chỉnh các thành tố nhãn hiệu cho phù hợp với điều kiện thị trường mới.
5. Thường xuyên theo dõi thông tin và xử lý sớm mọi sự lạm dụng nhãn hiệu nổi tiếng.
Cục Sở hữu Công nghiệp hàng tháng xuất bản cuốn “Công báo sở hữu công nghiệp” (có cả bản điện tử) công bố tất cả các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế được đăng ký bảo hộ.
Mục đích của việc công bố là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể phản đối, khiếu nại việc cấp văn bằng bảo hộ. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội phân tích, nhận dạng những nhãn hiệu nào có thể gây nhầm lẫn, tương tự với mình để kịp thời bảo hộ cho nhãn hiệu của mình.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường Mỹ cần biết rằng hệ thống luật pháp của Mỹ rất phức tạp, mà người Mỹ khi kinh doanh rất tôn trọng và gắn rất sát với luật lệ. Doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm và hiểu biết nên rất dễ bị chèn ép. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên có luật sư tư vấn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ để tránh những rủi ro và bất đồng. Tuy nhiên, chi phí trả cho luật sư là rất cao, từ 250 đến 500 USD/giờ. Do đó, muốn sử dụng luật sư có hiệu quả, doanh nghiệp ít nhiều phải am hiểu luật lệ Mỹ, để khi mời luật sư thì đảm bảo thời gian làm việc ngắn nhưng có hiệu quả cao.
6. Tổ chức thành các hiệp hội, liên minh doanh nghiệp
Các doanh nghiệp nên tổ chức thành các hiệp hội để có thể nâng cao sức mạnh và ưu thế của mình như ngành Thuỷ sản có Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP),… Khi xảy ra tranh chấp thương mại cần huy động sự tham gia của các ban ngành liên quan như Bộ Thương mại, Cục sở hữu công nghiệp, Bộ Khoa học công nghệ,… để giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của mình được tốt nhất.
Về phía các cơ quan nhà nước có chức năng liên quan như Cục sở hữu trú tuệ, một mặt nên tạo điện kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm hiểu dễ dàng hơn những điều lệ quốc tế. Mặc khác, tiến hành tham gia các hiệp ước và thỏa ước quốc tế khác ví dụ như thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế về kiểu dáng công nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho quy trình đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam được dễ dàng hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Trong khi các doanh nghiệp tự tìm cách bảo vệ mình thì nhà nước cũng cần tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để giúp các doanh nghiệp tìm được cơ chế bảo hộ tốt hơn. Hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn và sự không đồng nhất của việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong phạm vi Việt Nam và trên thế giới. Đó là các thủ tục cụ thể công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, việc thống nhất các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng và việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thấy được lợi ích và phương cách xây dựng nhãn hiệu của mình trở nên nổi tiếng cũng như bảo hộ hữu hiệu chúng, mặt khác tránh được sự vi phạm các nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác trong quá trình kinh doanh ở nội địa cũng như trên thị trường quốc tế.
Nguồn tham khảo:
1. Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin trên Internet;
Ngày cập nhật: 22/11/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.