Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Đã từ lâu hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện và tồn tại khách quan trong quá trình hình thành, phát triển của sản xuất hàng hoá và trở thành một đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bởi cạnh tranh làm cho người sản xuất năng động hơn, nhạy bén hơn, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, buộc họ phải thường xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ, nghiên cứu thành công mới nhất vào trong sản xuất, hoàn thiện cách thức tổ chức trong sản xuất, trong quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Mục đích của cạnh tranh không gì khác ngoài việc làm thế nào để hàng hoá, dịch vụ của mỗi doanh nghiệp được “bán chạy” trên thị trường. Hay nói một cách khái quát hơn, đó chính là vấn đề lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp muốn đạt được thông qua quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Để đạt được điều đó, họ đã thực hiện các hành vi thương mại không trung thực nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận cho bản thân mình. Hành vi đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác, đến người tiêu dùng và rộng ra là đến cả nền kinh tế. Đó chính là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh

Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều 03 quan điểm khác nhau về vấn đề này:

Quan điểm 1

“cạnh tranh không lành mạnh bao gồm tất cả các hành vi xâm hại tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, xâm hại tới quyền tự do cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp”.

Quan niệm này được phản ánh rất rõ trong quy định của Luật Cạnh tranh Mông Cổ. Theo quan điểm này, phạm vi các hành vi bị coi là cạnh tranh thiếu lành mạnh là rất rộng, có thể bao gồm cả các hành vi hạn chế cạnh tranh. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc sử dụng phương thức áp dụng pháp luật do bản chất, tính chất, mức độ nguy hại cho thị trường của các hành vi trên là khác nhau.

Quan điểm 2

Được thể hiện trong Điều 10bis của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, theo đó:

“bất kì hành vi nào đi ngược lại các hành động trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là cạnh tranh không lành mạnh”.

Quan điểm này chỉ bó hẹp ở các hành vi “không trung thực trong hoạt động thương mại và công nghiệp”.

Quan điểm 3

“cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể kinh doanh khác hoặc của người tiêu dùng”.

Quan điểm này đã dung hoà được hạn chế của hai quan niệm còn lại, khi cạnh tranh không chỉ có trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như trong quan niệm thứ hai, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Đây cũng chính là quan điểm của các nhà lập pháp Việt Nam xây dựng Luật Cạnh Tranh.

Là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nhưng Luật SHTT chỉ liệt kê những hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh mà không đưa ra khái niệm. Khái niệm về nó được đưa ra tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh Tranh 2018:

Là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Đặc điểm nhận biết hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Từ định nghĩa được nêu ra trong Luật Cạnh Tranh, có thể nhận thấy cạnh tranh không lành mạnh sẽ có các đặc điểm sau:

  • Vì mục đích cạnh tranh;
  • Nhằm vào đối thủ cạnh tranh hiện hữu (cụ thể);
  • Vi phạm pháp luật hoặc đi ngược lại với đạo đức, tập quán tốt đẹp;
  • Đã và sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh, và thông qua đó tìm cách tạo cho mình những mối lợi hoặc thế mạnh bất chính.

Như vậy, không phải bất cứ hành vi nào xâm hại đến lợi ích của doanh nghiệp đều bị coi là cạnh tranh không lành mạnh, mà chỉ những hành vi xuất phát từ một chủ thể đối với đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan, bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan; trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh thì mới bị coi là cạnh tranh không lành mạnh.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Được quy định tại Điều 45 Luật cạnh tranh Việt Nam 2018:

  1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh của người khác.
  2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
  3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
  4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
  5. Lôi kéo khách hàng bất chính.
  6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
  7. Các hành vi khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

Trước thực trạng gian thương diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thì việc công nhận và thực thi quyền tự bảo vệ của các chủ thể là rất cần thiết. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là một nội dung cơ bản của quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đây là đối tượng khác biệt hoàn toàn với các đối tượng còn lại của quyền sở hữu công nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền tự bảo vệ mình

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh chỉ được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh. Hay nói cách khác, quyền này chỉ được xác lập khi xuất hiện hành vi cạnh tranh của một chủ thể sản xuất, kinh doanh nào đó trên thực tế. Khi hành vi này làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm thì họ mới có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ mình.

Có thể có nhiều chủ thể

Trong một lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong những lĩnh vực tạo ra nhiều lợi nhuận, việc có nhiều chủ thể cùng tham gia là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh có thể làm ảnh hưởng đến tất cả chủ thể khác. Đương nhiên trong những trường hợp này, các bên sẽ có quyền tự bảo vệ. Do vậy, đây là điểm khác biệt so với các quyền khác.

Người tiêu dùng có quyền tự bảo vệ mình

Trong khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp, thì đối với cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng cũng bị xâm phạm đến lợi ích bởi họ là người trực tiếp tiêu dùng sản phẩm trên thị trường. Và do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tự bảo vệ mình.

Không thể chuyển giao

Nếu như đối với các quyền sở hữu trí tuệ khác như quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chủ sở hữu luôn có quyền thực hiện các hoạt động chuyển nhượng, mua bán, lixăng,… thì đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể quyền không thể thực hiện các hoạt động chuyển giao do quyền này không gắn trực tiếp với tài sản, không được coi là một tài sản, nên không thể chuyển giao.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

  • Luật cạnh tranh 2004;
  • Luật cạnh tranh 2018;
  • Luật sở hữu trí tuệ 2005;
  • Một số thông tin khác trên internet;

Ngày cập nhật: 06/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50