Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên trong Sở hữu trí tuệ

Ngày ưu tiên và Quyền ưu tiên trong Sở hữu trí tuệ

Ngày ưu tiênQuyền ưu tiên là 2 khái niệm thường thấy trong Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu không hiểu rõ 2 thuật ngữ này, bạn rất khó để hiểu được các quy định của pháp luật liên quan đến việc đăng ký và bảo hộ các đối tượng Sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,…

1. Cơ sở pháp lý

  • Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa về Nguyên tắc ưu tiên;
  • Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn về Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
  • Công ước Paris về bảo hộ Quyền sở hữu công nghiệp;

2. Ngày ưu tiên

Theo luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ngày ưu tiên là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc là ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris trong khoảng thời gian theo quy định.

Ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam là ngày mà Cục SHTT công nhận người nộp đơn đã đáp ứng được các điều kiện về hình thức của đơn. Ngày nộp đơn hợp lệ có thể là ngày nộp đơn đầu tiên (nếu đơn không phải sửa chữa, bổ sung gì), hoặc là ngày sửa chữa bổ sung đơn lần cuối cùng tại Cục SHTT (nếu đơn chưa chính xác phải sửa chữa, bổ sung thêm các giấy tờ, tài liệu,…)

Ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris là ngày nộp đơn trước khi nộp đơn tại Cục SHTT Việt Nam nhưng không quá 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu và không quá 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế.

Ngày ưu tiên là cơ sở quan trọng để xác định tính mới của đối tượng Sở hữu công nghiệp và xác định chủ thể nộp đơn sớm nhất. Xem thêm: Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

3. Quyền ưu tiên

Quyền ưu tiên trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ưu tiên” trong Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Có thể hiểu là khi một người nộp đơn đăng ký ở nhiều quốc gia là thành viên của Công ước Paris, thì người này có quyền yêu cầu các quốc gia khác công nhận ngày nộp đơn là ngày nộp đơn đầu tiên tại quốc gia đầu tiên.

Ví dụ: Công ty X của Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu H tại Việt Nam ngày 18/06/2019. Sau đó 3 tháng, Công ty X tiếp tục đăng ký nhãn hiệu H sang Singapore vào ngày 18/09/2019 thì Công ty X có quyền xin hưởng quyền ưu tiên để ngày nộp đơn tại Singapore được tính là ngày nộp đơn đầu tiên (tức ngày 18/06/2019).

Vai trò của Quyền ưu tiên

Giả sử có Công ty Y nộp đơn đăng ký nhãn hiệu H tại Singapore ngày 18/07/2019 và Công ty X không xin hưởng quyền ưu tiên thì đương nhiên đơn đăng ký của X bị coi là nộp sau Y và không thể được bảo hộ tại Singapore. Nhưng, nhờ có Quyền ưu tiên mà Công ty X được hưởng nên ngày nộp đơn được tính là ngày nộp đơn đầu tiên (18/06/2019) sớm hơn Công ty Y nên đơn của Y sẽ bị từ chối bảo hộ.

Như vậy, Quyền ưu tiên giúp bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức khi tiến hành nộp đơn không cùng lúc tại các quốc gia khác nhau. Tránh bị kẻ xấu “ăn cắp chất xám”, “chiếm đoạt thương hiệu“,… Tất nhiên, để được hưởng quyền này thì người nộp đơn phải đáp ứng được các yêu cầu nhất định.

Điều kiện yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn

Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau:

  • Người nộp đơn là công dân, hoặc cư trú, hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại quốc gia Thành viên của Công ước Paris;
  • Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại quốc gia Thành viên của Công ước Paris và đơn đó có yêu cầu xin hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tương ứng;
  • Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế kể từ ngày nộp đơn đầu tiên;
  • Nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;
  • Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Điểm cần lưu ý về quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris

Quy định về Quyền ưu tiên tuy mang lại lợi thế cho doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài, nhưng cũng chính quy định này lại có thể làm doanh nghiệp bị mất nhãn hiệu của mình tại thị trường nước ngoài.

Như đã biết, năm 2005 Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00004 Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân (xem thêm). Vào năm 2009, Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo” cho cà phê tại thị trường Trung Quốc. Như vậy, trong thời hạn 180 ngày kể từ thời điểm nộp đơn, Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd. có quyền yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu này tại thị trường nhiều quốc gia, trong khi đó thì chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý số 00004 lại không còn quyền ưu tiên này nữa.

Ngày cập nhật: 09/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50