Nhãn hiệu tập thể là gì?

Logo xoài Cao Lãnh

Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó”.

Có thể hiểu nhãn hiệu tập thể (NHTT) là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một tập thể các nhà sản xuất (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân). Tập thể đó thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty,… Họ sẽ xây dựng quy chế chung về việc sử dụng (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất,…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Logo Chè Thái Nguyên
Nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ là nhãn hiệu tập thể năm 2006

Nhãn hiệu tập thể khác gì với nhãn hiệu thông thường?

Vì NHTT được sở hữu bởi một tổ chức nhưng bản thân tổ chức lại không trực tiếp sử dụng nó mà từng thành viên của tổ chức sử dụng và khai thác các quyền đối với nhãn hiệu đó, đồng thời phải tuân thủ theo các quy định chung đã thiết lập. Do đó loại nhãn hiệu này chịu sự ràng buộc giữa các thành viên khác trong tổ chức. Việc dịch chuyển quyền phải được tất cả các thành viên đồng ý.

Mặt khác, khi đăng ký nhãn hiệu tập thể ngoài những tài liệu giống như đăng ký nhãn hiệu thông thường, người nộp đơn phải nộp kèm theo quy chế sử dụng. Quy chế sử dụng thường bao gồm những nội dung sau:

  1. Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
  2. Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
  3. Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
  4. Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
  5. Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.

Đặc biệt, tại điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 có quy định: Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ có thể được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại nhãn hiệu này vẫn còn khá mới mẻ nên có rất ít đơn đăng ký.

Vai trò bảo vệ người tiêu dùng

NHTT đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì khi làm thủ tục đăng ký, chủ sở hữu phải nộp quy chế sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền. Bất kỳ sự sửa đổi nào đối với quy chế sử dụng cũng phải được thông báo cho cơ quan này.

Tại nhiều nước trên thế giới (ví dụ Đức, Phần Lan, Nauy, Thụy Điển và Thụy Sỹ), đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ bị huỷ bỏ nếu việc sử dụng trái với các quy định của quy chế sử dụng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Các điều ước quốc tế

Hiệp định TRIPS không có quy định về khái niệm hay việc bảo hộ loại nhãn hiệu này.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cũng chỉ quy định chung chung: “Nhãn hiệu hàng hóa bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận”.

Công ước Paris có quy định tại Điều 7bis. Theo đó, các nước thành viên của Liên minh phải có trách nhiệm chấp nhận đơn đăng ký và bảo hộ các nhãn hiệu tập thể với chủ sở hữu là các tập thể tồn tại hợp pháp theo pháp luật của các nước sở tại, cho dù các tập thể đó có trực tiếp sở hữu các cơ sở công nghiệp và thương mại hay không. Nội dung và điều kiện bảo hộ sẽ được thực hiện theo pháp luật nước sở tại. Đương nhiên, các nước thành viên cũng có quyền từ chối bảo hộ nếu nhãn hiệu đó trái với lợi ích xã hội.

Rõ ràng, các Điều ước quốc tế trên mới chỉ đề cập mà chưa đưa ra khái niệm cụ thể cũng như cách thức bảo vệ đối với nhãn hiệu tập thể. Đây cũng là vấn đề có nhiều điểm không thống nhất giữa pháp luật các nước.

Xem thêm

Nguồn tham khảo:

1. Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin trên Internet;

Ngày cập nhật: 09/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50