Nhãn hiệu liên kết là gì?

Nhãn hiệu liên kết Honda

Trên thương trường, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên diễn ra và ngày càng tinh vi, trong đó có hành vi bảo hộ nhãn hiệu “ăn theo” những thương hiệu nổi tiếng. Để tạo cho các chủ thể kinh doanh chủ động ngăn ngừa sự lạm dụng đó, pháp luật cho phép họ đăng ký bảo hộ những nhãn hiệu liên kết.

Đây là một loại nhãn hiệu hàng hóa mới nên hiện nay không có sự thống nhất trong quan điểm của các nước về vấn đề bảo hộ. Ngay là quốc gia phát triển như Hoa Kỳ cũng không quy định riêng mà lồng các quy định tương ứng vào việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu liên kết của tập đoàn VinGroup

Nhãn hiệu liên kết của tập đoàn VinGroup

Định nghĩa nhãn hiệu liên kết

Khái niệm về NH liên kết lần đầu tiên được ghi nhận tại Nghị định 63/CP, sửa đổi bổ sung theo nghị định số 06/2001/NĐ-CP như sau:

Là các nhãn hiệu hàng hoá tương tự với nhau do cùng một chủ thể đăng ký để dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, tương tự với nhau hoặc có liên quan tới nhau, và các nhãn hiệu hàng hoá trùng nhau do cùng một chủ thể đăng ký để dùng cho các sản phẩm, dịch vụ tương tự với nhau hoặc có liên quan tới nhau.

Khoản 19 Điều 4 Luật SHTT 2005 cũng kế thừa tinh thần của điều luật trên khi quy định:

Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

Như vậy, có thể chia NH liên kết thành hai loại:

  1. Là các nhãn hiệu tương tự với nhau do một chủ thể đăng ký dùng cho các sản phẩm/dịch vụ cùng loại, tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau.
  2. Là các nhãn hiệu trùng nhau do cùng một chủ thể đăng ký dùng cho các sản phẩm/dịch vụ tương tự hoặc có liên quan với nhau.

Ưu nhược điểm của nhãn hiệu liên kết

Việc đăng ký nhãn hiệu liên kết mang lại lợi thế cho chủ sở hữu nhãn hiệu, đó là được độc quyền sử dụng dấu hiệu có khả năng phân biệt cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ không cùng nhóm của mình nếu hàng hóa, dịch vụ đó có liên quan với nhau. Nó còn giúp cho người tiêu dùng một sự liên tưởng là các hàng hóa, dịch vụ này có cùng một nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không phải đầu tư nhiều tiền của vào hoạt động quảng cáo, xây dựng niềm tin đối với khách hàng.

Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu liên kết cũng có nhược điểm của nó là nếu có một sản phẩm mang nhãn hiệu bị mất uy tín thì cũng kéo theo các nhãn hiệu tương tự hoặc có liên quan khác cũng mất uy tín theo.

Xem thêm

Ngày cập nhật: 20/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50