Khái niệm chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) là một khái niệm pháp lý có nguồn gốc ở Châu Âu, và được phổ biến rộng rãi trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới thông qua Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs). Thuật ngữ chỉ dẫn địa lý được sử dụng để chỉ dẫn sản phẩm thông qua tên của nơi sản xuất hoặc nơi thu hoạch sản phẩm đó.

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, trước khi Hiệp định TRIPs ra đời, các dấu hiệu địa lý gắn trên sản phẩm gắn với địa danh nơi sản xuất đã được đề cập đến trong Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thỏa ước Lisbon 1958 về bảo hộ đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ hàng hóa dưới tên gọi Chỉ dẫn nguồn gốc (Indication of Source) và Tên gọi xuất xứ (Apellations of Origin).

Chỉ dẫn nguồn gốc (Indication of Source)

Là thuật ngữ xuất hiện sớm nhất trong 3 thuật ngữ trên. Từ xa xưa, trong giao lưu thương mại, các chủ thể thông qua việc gắn các dấu hiệu trên sản phẩm để phân biệt sản phẩm hàng hóa của mình với các sản phẩm hàng hóa của các chủ thể khác khi đưa chúng lưu thông trên thị trường. Các dấu hiệu này có thể chỉ đơn thuần mang chức năng xác định người tạo ra sản phẩm đó, có thể bao gồm cả chức năng xác định nơi mà sản phẩm đó tạo ra.

Theo công ước Paris

Chỉ dẫn nguồn gốc là bất kỳ dấu hiệu hay cách thức thể hiện nào dùng để chỉ dẫn một sản phẩm có nguồn gốc từ một quốc gia, một khu vực hoặc một vùng địa lý cụ thể. Tuy nhiên, sản phẩm đó không nhất thiết phải có chất lượng đặc thù do yếu tố địa lý tạo nên. Ví dụ: các sản phẩm mang cụm từ “Made in China” hay “Made in Vietnam” là các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc va Việt Nam. Trên thực tế, chất lượng của những hàng hóa đó không phụ thuộc vào yếu tố địa lý của nơi sản xuất.

Theo thỏa ước Madrid

Kế thừa và phát triển công ước Paris, Thỏa ước Madrid 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa đã quy định về chỉ dẫn nguồn gốc: “Bất kỳ sản phẩm nào mang chỉ dẫn sai lệch và lừa dối mà qua đó, một trong số các quốc gia thành viên của thỏa ước Madrid hoặc một địa điểm tại nước đó được chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp là nước hoặc địa điểm xuất xứ hàng nhập khẩu vào bất kỳ quốc gia thành viên nào của thỏa ước đều bị tịch thu”.

Chỉ dẫn nguồn gốc được quy định trong Thỏa ước Madrid phải là dấu hiệu chỉ dẫn chính xác về một quốc gia hoặc một địa điểm trong một quốc gia mà tại đó, hàng hóa được tạo ra.

Tên gọi xuất xứ hàng hóa (Apellations of orgin)

Là thuật ngữ cũng xuất hiện lần đầu tiên trong công ước Paris nhưng mãi đến năm 1958 khi Thỏa ước Lisbon về bảo hộ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ của hàng hóa được ký kết thì khái niệm tên gọi xuất xứ hàng hóa mới được chuẩn hóa:

“Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của một nước, một khu vực, một địa phương nơi xuất xứ của sản phẩm mà chất lượng và các tính chất đặc thù cơ bản của sản phẩm do môi trường địa lý của khu vực đó quyết định, kể cả yếu tố tự nhiên và con người”.

Theo định nghĩa này, những chỉ dẫn nguồn gốc đơn giản tức là những sản phẩm mà đặc tính của nó không bắt nguồn từ điều kiện địa lý, sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ của tên gọi xuất xứ.

Điều kiện bảo hộ tên gọi xuất xứ

Theo thỏa ước Lisbon thì tên gọi xuất xứ hàng hóa cần có 4 điều kiện:

  1. Tên gọi xuất xứ phải là tên địa lý của một nước, một khu vực hoặc một địa phương.
  2. Tên gọi xuất xứ hàng hóa nhằm giúp xác định nơi xuất xứ của một sản phẩm và khu vực địa lý.
  3. Hàng hóa mang tên gọi xuất xứ hàng hóa phải có chất lượng và đặc tính đặc thù riêng biệt.
  4. Chất lượng và tính chất đặc thù phải có mối liên hệ với môi trường địa lý và cơ bản nhờ vào điều kiện địa lý. Nếu sự liên hệ về chất lượng sản phẩm và khu vực địa lý không đủ, nghĩa là các tiêu chuẩn chất lượng không cao, mà chỉ ở một mức độ nhỏ thì sản phẩm đó không được gắn với tên gọi xuất xứ. Điều kiện địa lý bao gồm những yếu tố tự nhiên như đất đai, khí hậu và yếu tố con người như bí quyết truyền thống nghề nghiệp, kỹ năng, kỹ xảo của những người sản xuất tại khu vực địa lý có liên quan.

Những quy định chặt chẽ của Thỏa ước Lisbon về tên gọi xuất xứ đã làm hạn chế số lượng quốc gia thành viên tham gia. Chỉ các quốc gia Châu Âu với truyền thống lịch sử lâu đời và hệ thống thực thi pháp luật quốc gia hiệu quả mới có khả năng tham gia Thỏa ước Lisbon, bởi vào thời điểm đó hầu hết các quốc gia chưa biết nhiều đến khái niệm tên gọi xuất xứ.

Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications)

Nhu cầu bảo hộ đối với các sản phẩm có chất lượng đặc thù của các quốc gia trên thế giới vẫn không ngừng tăng. Thương mại quốc tế phát triển khiến cho việc làm hàng nhái, hàng giả các sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng ngày càng trở nên phổ biến (xem chi tiết). Điều này làm nảy sinh nhu cầu cần có những quy định cụ thể mang tính quốc tế nhằm bảo hộ đối tượng đặc biệt này.

Khái niệm chỉ dẫn địa lý theo hiệp định TRIPs

Hiệp định TRIPs được coi là văn bản pháp lý toàn diễn nhất về sở hữu trí tuệ với các quy định cụ thể về chỉ dẫn địa lý như sau:

“Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ trên lãnh thổ của một nước thành viên hoặc một vùng, một khu vực địa lý của nước đó mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại”.

Theo định nghĩa này, thì một sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý là sản phẩm phải có 3 điều kiện:

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định TRIPs

  1. Các chỉ dẫn này có thể là dấu hiệu bất kỳ (từ ngữ, hình ảnh) miễn là qua đó có thể chỉ ra được hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bắt nguồn từ lãnh thổ của một quốc gia nào hoặc một khu vực địa phương nào của lãnh thổ quốc gia đó. Tuy nhiên, dấu hiệu trên hàng hóa phải liên quan đến một quốc gia cụ thể hoặc một địa phương, khu vực của một quốc gia cụ thể đến mức thông qua dấu hiệu người tiêu dùng biết được hàng hóa đó bắt nguồn từ đâu.
  2. Hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ quốc gia hoặc từ khu vực, địa phương tương ứng.
  3. Hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do quốc gia hay khu vực địa phương đã được chỉ dẫn là nơi hàng hóa bắt nguồn quy định.

Thuật ngữ “địa lý” được hiểu theo nghĩa rộng

Thuật ngữ “địa lý” được dùng ở đây không chỉ với nghĩa phạm vi, khu vực hay một vùng của lãnh thổ, mà còn thể hiện yếu tố hành chính, kinh tế và văn hóa của vùng địa lý đó. Điều đó có nghĩa “chỉ dẫn địa lý” (theo Hiệp định TRIPs) không nhất thiết phải là một tên gọi mà còn có thể là những dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ khác với tên gọi địa lý, miễn là chúng thể hiện được mối liên hệ giữa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ, làm cho khách hàng gắn kết với đặc điểm riêng biệt của hàng hóa. Chẳng hạn như hình tháp Eiffel chỉ những sản phẩm có nguồn gốc từ Paris (Pháp), hay hình ảnh con Kangaroo chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Australia.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý có những quy định chặt chẽ hơn chỉ dẫn nguồn gốc nhưng không quá ràng buộc như tên gọi xuất xứ.

So sánh chỉ dẫn nguồn gốc – chỉ dẫn địa lý – tên gọi xuất xứ

Chỉ dẫn nguồn gốc Chỉ dẫn địa lý Tên gọi xuất xứ
Giúp chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa (một quốc gia, một khu vực hoặc một địa phương cụ thể) Giúp chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa (một quốc gia, một khu vực hoặc một địa phương cụ thể) Giúp chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa (một quốc gia, một khu vực hoặc một địa phương cụ thể)
Không cần thiết phải chỉ ra đặc thù do yếu tố địa lý tạo nên. Chất lượng, uy tín, hoặc đặc tính riêng biệt của hàng hóa có được nhờ môi trường địa lý. Chất lượng, uy tín, hoặc đặc tính riêng biệt của hàng hóa có được nhờ môi trường địa lý.
Không có yếu tố con người. Bao gồm cả yếu tố tự nhiên và con người. Bao gồm cả yếu tố tự nhiên và con người.
Nhấn mạnh khía cạnh xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn liên quan đến vị trí địa lý. Chỉ cần một công đoạn của quá trình sản xuất diễn ra ở một khu vực địa lý nhất định, nguyên liệu sản xuất có thể nhập từ một nơi khác. Nguyên liệu sản xuất và chế biến thành phẩm phải diễn ra trong một vùng lãnh thổ mà sản phẩm mang tên.

Như vậy, khái niệm chỉ dẫn nguồn gốc bao hàm cả khái niệm chỉ dẫn địa lý, còn tên gọi xuất xứ có thể hiểu là một dạng đặc biệt của chỉ dẫn địa lý.

Khái niệm chỉ dẫn địa lý theo luật Việt Nam

Mặc dù những dấu hiệu để một chỉ dẫn về nguồn gốc địa lý của hàng hóa ra đời và được sử dụng rộng rãi từ nhiều thế kỷ trước trên thế giới nhưng những quy định về bảo hộ các chỉ dẫn xuất xứ từ này mới chỉ xuất hiện trong các văn bản pháp lý quốc tế. Còn Việt Nam, mặc dù là thành viên của Công ước Paris 1883 từ nặm 1949 nhưng cho đến năm 1995, những quy định đầu tiên về tên gọi xuất xứ mới được chính thức đưa vào Bộ luật dân sự 1995, theo tinh thần của Công ước Paris.

Bộ luật dân sự 1995

Theo quy định tại Điều 786 Bộ luật dân sự 1995 thì:

Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, đia phương đó với điều kiện nhưng mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiên địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp với cả hai yếu tố đó.

Cũng theo luật này, tên gọi xuất xứ muốn được bảo hộ thì phải đăng ký.

Nghị định 54/2000/NĐ-CP

Ngày 10/3/2000 Nghị định của Chính Phủ số 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp đã đưa ra quy định như sau:

1. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Thể hiện dưới dạng một từ ngữ: dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia;
  • Thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hóa nhằm chỉ dẫn rằng hàng hóa nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

2. Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hóa thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Luật sở hữu trí tuệ 2005

Có thể thấy, trong giai đoạn trước 2005, khái niệm chỉ dẫn địa lý cũng đã được sử dụng nhưng nó có thể là tên gọi xuất xứ hàng hóa hoặc không. Sự không thống nhất trong các quy định pháp luật tạo ra khó khăn khi phân biệt hai thuật ngữ: chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa. Đó là lý do Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 ra đời và bỏ thuật ngữ: tên gọi xuất xứ hàng hóa, thống nhất chỉ sử dụng thuật ngữ chỉ dẫn địa lý:

“Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.

Như vậy, khái niệm chỉ dẫn địa lý theo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng tương thích với Hiệp định TRIPs ở chỗ cả 2 khái niệm đều đề cập tới sản phẩm, mối liên hệ giữa nguồn gốc địa lý của sản phẩm và các đặc tính của sản phẩm có được từ nguồn gốc địa lý đó.

Tóm lại, đặc điểm của chỉ dẫn địa lý là gì?

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là sản phẩm đặc thù có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương, khu vực hoặc quốc gia tương ứng. Danh tiếng của sản phẩm được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm đó.

Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng, hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, sinh học, và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia theo phương pháp kiểm tra phù hợp.

Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên và yếu tố về con người. Trong đó, yếu tố tự nhiên bao gồm các yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác. Còn yếu tố con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương được hội tụ trong sản phẩm.

Xem thêm:

Ngày cập nhật: 09/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50