Sáng chế là loại tài sản trí tuệ vô cùng giá trị (nếu không muốn nói là vô giá) nên việc đăng ký bảo hộ sáng chế có ý nghĩa to lớn đối với bất kỳ chủ sở hữu sáng chế nào. Bài viết này giúp bạn hiểu được quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế và thời gian bảo hộ, duy trì, gia hạn văn bằng bảo hộ sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ.
1. Thẩm định hình thức đơn
Tất cả đơn đăng ký sáng chế, kể cả đơn PCT đều được xét nghiệm hình thức nhằm xác định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ hay không. Thời hạn xét nghiệm là một (01) tháng kể từ ngày đơn đến Cục SHTT. Ngày nộp đơn có thể là:
- Ngày thực tế mà Cục SHTT nhận được đơn;
- Ngày nộp đơn quốc tế của đơn PCT đã được nộp trước đó.
Nếu đơn sáng chế đáp ứng đủ điều kiện thì Cục SHTT sẽ ra thông báo cho chủ sở hữu và tiến hành bước tiếp theo:
2. Công bố đơn hợp lệ
Tất cả đơn hợp lệ đều được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và công khai để bất kì bên thứ ba hoặc bên có quyền lợi liên quan có thể biết tới nội dung của đơn đăng ký sáng chế đó.
Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín (19) kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng
kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo ngày nào muộn hơn; đơn đăng ký PCT được công bố trong thời hạn hai (02) tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ sau khi đơn đã vào giai đoạn quốc gia.
3. Yêu cầu thẩm định nội dung đơn
Việc xét nghiệm nội dung đơn chỉ được tiến hành khi có yêu cầu xét nghiệm nội dung của người nộp đơn hoặc của người thứ ba với điều kiện yêu cầu xét nghiệm nội dung được nộp cho Cục SHTT trong thời hạn 42 tháng
tính từ ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế và 36 tháng
tính từ ngày ưu tiên của đơn đăng ký giải pháp hữu ích. Quá thời hạn trên, nếu không có yêu cầu xét nghiệm nội dung, thì đơn coi như không nộp.
4. Thẩm định nội dung đơn và cấp bằng sáng chế
Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế là 18 tháng
kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu đó được nộp trước ngày công bố đơn.
Xem thêm: Điều kiện cấp Bằng độc quyền sáng chế
Người nộp đơn có quyền sửa đổi, bổ sung đơn trước khi Cục SHTT cấp bằng. Tuy nhiên việc sửa đổi bổ sung đó không được phép mở rộng phạm vi bảo hộ hoặc thêm đối tượng xin bảo hộ.
* Đơn đăng ký sáng chế được phép chuyển đổi thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích và ngược lại. Thời hạn cho việc chuyển đổi này là vào bất cứ lúc nào trước khi có thông báo từ chối hoặc cấp bằng.
5. Khiếu nại & Phản đối
Bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian công bố việc cấp bằng sáng chế, người nộp đơn hoặc bất kỳ bên thứ ba có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến việc cấp bằng sáng chế sẽ được quyền khiếu nại bằng văn bản với Cục sở hữu trí tuệ về việc phản đối chấp nhận đơn hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Bất kỳ sự khiếu nại/phản đối nào đều phải được lập thành văn bản, kèm theo đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc huỷ bỏ Quyết định hoặc các kết luận liên quan. Người khiếu nại/ phản đối phải nộp đơn khiếu nại cho Cục SHTT trong vòng 90 ngày
kể từ ngày ra Quyết định hoặc Thông báo. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định của Cục SHTT thì người khiếu nại có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện ra tòa án.
6.Thời hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và gia hạn bằng
Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực 20 năm
và bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực 10 năm
kể từ ngày nộp đơn và các bằng này có hiệu lực kể từ ngày cấp (không gia hạn).
Để duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực. Xem thêm: Duy trì hiệu lực Bằng độc quyền Sáng chế/Giải pháp hữu ích
Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sáng chế có thể thực hiện duy trì hiệu lực bằng độc quyền trong khoảng thời gian 06 tháng
trước hoặc sau thời điểm hết hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, nếu việc thực hiện duy trì hiệu lực được thực hiện trong khoảng thời gian 06 tháng tính từ thời điểm văn bằng bảo hộ hết hiệu lực thì ngoài chi phí duy trì hiệu lực, người nộp đơn phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì
cho mỗi tháng nộp muộn. Nếu sau thời hạn 06 tháng này chủ sở hữu văn bằng bảo hộ vẫn không thực hiện việc duy trì hiệu lực thì văn bằng bảo hộ sẽ chấm dứt hiệu lực.
Xem thêm:
- Những trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
- Thủ tục sửa đổi bằng độc quyền sáng chế;
- Chuyển nhượng bằng độc quyền sáng chế;
- Nộp đơn sáng chế quốc tế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT);
- Sáng chế dạng “sử dụng” có được chấp nhận theo Hiệp ước TPP?
- Sử dụng công cụ WIPO CASE để nâng cao chất lượng tra cứu và thẩm định sáng chế;
Ngày cập nhật: 11/09/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.