Điều kiện cấp Bằng độc quyền sáng chế

Đăng ký bảo hộ sáng chế

Một sáng chế phải đáp ứng một số tiêu chuẩn mới có thể được bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Đó là sáng chế đó trước hết phải thuộc đối tượng được bảo hộ sáng chế, có khả năng áp dụng công nghiệp (hữu ích), phải mới, phải biểu lộ, minh chứng cho một “bước tiến sáng tạo” rõ ràng (phải không là hiển nhiên), và việc bộc lộ sáng chế trong đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế phải đáp ứng một số chuẩn mực nhất định.

1. Đối tượng được bảo hộ sáng chế

Để đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế, sáng chế phải thuộc đối tượng được bảo hộ sáng chế. Đối tượng được bảo hộ sáng chế do luật pháp quy định và thường được định nghĩa bằng những ngoại lệ của việc bảo hộ sáng chế, nguyên tắc chung là việc bảo hộ sáng chế được dành cho các sáng chế ở mọi lĩnh vực công nghệ.

Sau đây là những ví dụ các lĩnh vực công nghệ có thể bị loại trừ khỏi phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng chế:

  1. Những phát minh về nguyên liệu hoặc chất có tồn tại sẵn trong tự nhiên;
  2. Lý thuyết khoa học hoặc phương pháp toán học;
  3. Giống cây trồng hoặc giống động vật, hoặc những quy trình sinh học cơ bản để tạo ra giống cây trồng hay động vật đó, mà không phải là quy trình vi sinh;
  4. Các biểu đồ, các quy tắc hay phương pháp chẳng hạn như để tiến hành kinh doanh, kế hoạch thực hiện các công việc thuần tuý trí óc hoặc chơi trò chơi;
  5. Phương pháp chữa bệnh cho người hay động vật, hoặc phương pháp chẩn đoán bệnh cho người hoặc động vật (không gồm các sản phẩm để sử dụng trong các phương pháp đó).

Hiệp định TRIPS (Điều 27.2 và 27.3) đã chỉ rõ rằng các quốc gia Thành viên có thể loại trừ việc bảo hộ sáng chế đối với một số loại sáng chế nhất định, ví dụ những sáng chế mà việc khai thác thương mại sẽ là trái với đạo đức hoặc trật tự xã hội.

2. Khả năng áp dụng công nghiệp (có ích)

Một sáng chế, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, phải là một sáng chế có khả năng được áp dụng cho các mục đích thực tế chứ không chỉ thuần tuý là lý thuyết. Nếu sáng chế là một sản phẩm hay một phần của sản phẩm thì sản phẩm đó phải có khả năng được sản xuất. Và nếu sáng chế đó là một quy trình hay một phần của quy trình thì quy trình đó phải có khả năng thực hiện hay “sử dụng” quy trình đó trong thực tiễn.

“Khả năng áp dụng”“khả năng áp dụng công nghiệp” là các thuật ngữ tương ứng phản ánh khả năng chế tạo hay sản xuất trong thực tế cũng như khả năng thực hiện hay sử dụng trong thực tiễn.

Khả năng áp dụng công nghiệp

Sáng chế muốn bảo hộ phải có khả năng áp dụng công nghiệp

Thuật ngữ “công nghiệp” nghĩa là hoạt động kỹ thuật ở một quy mô nhất định và khả năng áp dụng “công nghiệp” của một sáng chế nghĩa là việc áp dụng (sản xuất, sử dụng) sáng chế đó bằng những phương tiện kỹ thuật ở một quy mô nhất định.

3. Tính mới của sáng chế

Tính mới là một yêu cầu cơ bản trong bất kỳ xét nghiệm nào về mặt nội dung và là một điều kiện không phải bàn cãi để xét cấp Bằng độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, tính mới không phải là những gì có thể chứng minh hay xác định được; chỉ việc thiếu tính mới là có thể chứng minh được.

Một sáng chế được coi là mới nếu không bị coi là đã biết trước nếu sử dụng tình trạng kỹ thuật đã biết. “Tình trạng kỹ thuật đã biết” được hiểu một cách chung nhất là toàn bộ những kiến thức đã có trước khi đơn yêu cầu được nộp hoặc đã có trước ngày ưu tiên của đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế, bất kể nó tồn tại dưới dạng bộc lộ bằng văn bản hay miệng. Câu hỏi đặt ra về những gì được coi là cấu thành “tình trạng kỹ thuật đã biết” tại một thời điểm xác định vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi.

Xác định “tình trạng kỹ thuật đã biết” như thế nào?

Có quan điểm cho rằng việc xác định tình trạng kỹ thuật đã biết chỉ phải được tạo ra từ những kiến thức được bộc lộ, biết đến ở riêng quốc gia bảo hộ mà thôi. Cách này sẽ loại bỏ những kiến thức từ các quốc gia khác, nếu nó không được du nhập vào quốc gia đó trước khi tạo ra sáng chế, ngay cả khi những kiến thức này được lưu truyền rộng rãi ở nước ngoài trước ngày tạo ra sáng chế.

Một quan điểm khác dựa trên sự phân biệt giữa bộc lộ qua xuất bản phẩm in ấn và các loại hình bộc lộ khác như thông qua việc công bố miệng hay việc sử dụng trước đó, và vào địa điểm xảy ra việc công bố hay bộc lộ.

Việc bộc lộ một sáng chế mà việc bộc lộ này sẽ trở thành một phần của tình trạng kỹ thuật đã biết có thể xảy ra theo ba cách, đó là:

  1. Mô tả sáng chế đó trong một ấn phẩm hoặc xuất bản dưới hình thức khác;
  2. Mô tả sáng chế đó theo cách trình bày miệng trước công chúng, việc bộc lộ như vậy được gọi là bộc lộ qua việc nói, trình bày miệng;
  3. Sử dụng công khai sáng chế đó, hay bằng cách đưa công chúng vào các hoàn cảnh khiến cho bất kỳ người nào trong số họ cũng có thể sử dụng sáng chế, đây là “dạng bộc lộ thông qua sử dụng”.

Xuất bản ấn phẩm

Xuất bản ấn phẩm ở dạng hữu hình đòi hỏi phải có một vật mang tin, chẳng hạn một văn bản theo nghĩa rộng và văn bản đó phải được phát hành, nghĩa là được công khai dưới bất kỳ cách thức nào như chào bán hoặc lưu giữ tại thư viện công cộng. Các xuất bản ấn phẩm bao gồm cả bằng độc quyền sáng chế đã cấp hoặc đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế đã được công bố, bài viết (bất kể là dạng viết tay, đánh máy hay in), hình ảnh bao gồm cả ảnh chụp, hình vẽ, hoặc phim và bản ghi âm ở dạng băng từ hay đĩa dưới dạng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ được mã hóa.

Laptop Internet Websites

Hiện nay, việc công bố trên Internet ngày càng được lưu ý xem xét

Trình bày miệng

Dạng bộc lộ qua trình bày miệng, theo ngữ nghĩa, ngụ ý rằng lời nói hay hình thức bộc lộ không nhất thiết phải được ghi nguyên văn lại, và bao gồm các bài giảng và chương trình phát thanh.

Sử dụng công khai

Dạng bộc lộ thông qua sử dụng về cơ bản là việc bộc lộ bằng cách trình diễn, trưng bày trước công chúng như triển lãm, bán, trưng bầy, các chương trình tivi trực tiếp và việc sử dụng công cộng thực sự.

Một tài liệu sẽ chỉ làm mất tính mới của một sáng chế nếu đối tượng được nêu rõ trong văn bản này. Bởi vậy đối tượng được nêu trong yêu cầu bảo hộ của đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế, trong quá trình xét nghiệm sẽ được so sánh từng yếu tố một với nội dung của các ấn phẩm đã xuất bản. Sáng chế sẽ bị coi là thiếu tính mới nếu bản thân ấn phẩm chứa đựng tất cả những đặc điểm của yêu cầu bảo hộ đó, nghĩa là nếu ấn phẩm cho biết trước được đối tượng được yêu cầu bảo hộ.

Tuy nhiên, việc mất tính mới có thể là tiềm ẩn trong ấn phẩm theo nghĩa là khi áp dụng những kiến thức được tài liệu hướng dẫn, một người có trình độ kỹ thuật trung bình trong lĩnh vực tương ứng sẽ đạt được kết quả như những mô tả trong đơn. Nói chung, việc xác định một sáng chế không còn mới theo hiểu như thế này chỉ được đưa ra bởi Cơ quan Sáng chế khi không còn bất kỳ ngờ vực nào đối với kết quả thực tế của việc hướng dẫn đã có trước.

Cần lưu ý rằng khi xem xét tính mới không được kết hợp các tình trạng kỹ thuật đã biết riêng lẻ lại với nhau.

Trình độ sáng tạo (không hiển nhiên)

Đối với yêu cầu về trình độ sáng tạo (cũng được gọi là “không hiển nhiên”), vấn đề đặt ra là liệu có hay không có việc một sáng chế “được xem hiển nhiên đối với một người có trình độ kỹ thuật trung bình trong lĩnh vực tương ứng” có thể là tiêu chuẩn khó nhất phải xác định trong quá trình xét nghiệm nội dung.

Việc đưa yêu cầu như vậy vào luật pháp về sáng chế là dựa trên giả thuyết rằng không bảo hộ cho những gì đã được biết là một phần của tình trạng kỹ thuật đã biết, hoặc cho những gì mà một người với trình độ trung bình có thể suy luận ra như một hệ quả hiển nhiên của tình trạng kỹ thuật.

Thuật ngữ “trình độ trung bình” nhằm loại trừ chuyên gia “giỏi nhất” có thể có. Thuật ngữ này nhằm giới hạn ở những người có trình độ kỹ thuật trung bình trong cùng lĩnh vực tại quốc gia liên quan.

Trình độ sáng tạo

Sáng chế cần đáp ứng Trình độ sáng tạo

Cũng cần lưu ý rằng tính mớitrình độ sáng tạo là những tiêu chuẩn khác nhau. Tính mới tồn tại nếu có bất kỳ sự khác biệt nào giữa sáng chế và tình trạng kỹ thuật đã biết. Vấn đề “có trình độ sáng tạo hay không?” chỉ đặt ra nếu đã có tính mới. Thuật ngữ “trình độ sáng tạo” diễn tả quan niệm rằng sẽ là không đủ nếu sáng chế được yêu cầu bảo hộ chỉ là mới, nghĩa là khác so với những gì đã tồn tại trong tình trạng kỹ thuật, nhưng sự khác biệt này phải có được hai đặc tính.

Thứ nhất, phải có “tính sáng tạo”, có nghĩa đó phải là kết quả của một ý tưởng sáng tạo, và phải là một trình độ ở mức có thể nhận thấy. Cần phải có sự khác biệt rõ ràng có thể xác định được giữa tình trạng kỹ thuật và sáng chế yêu cầu bảo hộ. Đây là lý do tại sao luật pháp trong lĩnh vực này đưa ra khái niệm “bước tiến” hay “tiến bộ” so với trình độ kỹ thuật đã biết.

Thứ hai, người ta đòi hỏi bước tiến hay tiến bộ phải có ý nghĩa quan trọng và có tính căn bản đối với sáng chế.

Để đánh giá bản chất của sự khác biệt mà dựa vào đó tạo nên một trình độ sáng tạo, phải xem xét đến toàn bộ tình trạng kỹ thuật đã biết. Vì vậy, khác với việc đánh giá tính mới, đối tượng của yêu cầu bảo hộ đang được xét nghiệm được so sánh không phải với riêng từng xuất bản phẩm hay bộc lộ dạng khác, mà là so sánh với kết hợp của những tài liệu hay công bố đó, miễn sao việc kết hợp là hiển nhiên đối với một người có trình độ kỹ thuật trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật liên quan.

Việc kết hợp có thể là tổng hợp, nếu xét thấy yêu cầu bảo hộ xác định một tập hợp các đối tượng bảo hộ được biết riêng rẽ khác nhau, ví dụ một loại máy giặt mới bao gồm một loại động cơ đặc biệt kết gắn với một loại bơm riêng. Để loại bỏ trình độ sáng tạo, cần phải xác định là không phải chỉ có việc kết hợp, mà còn cả việc chọn lựa các thành tố của việc kết hợp đó là hiển nhiên. Phải tổng hợp các sự khác biệt được phát minh so với tình trạng kỹ thuật và đánh giá tính hiển nhiên, chứ không đem riêng từng yếu tố mới ra so sánh, trừ trường hợp không có mặt một liên kết kỹ thuật giữa các yếu tố này.

Trong hầu hết các trường hợp, cần đánh giá trình độ sáng tạo trên 3 khía cạnh, đó là:

  1. Vấn đề cần giải quyết;
  2. Giải pháp cho vấn đề đó; và
  3. Các ưu điểm (nếu có) của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật đã biết trước.

Nếu vấn đề đã được biết đến hay đã là hiển nhiên, việc xét nghiệm sẽ xem xét tính độc đáo của giải pháp được yêu cầu bảo hộ. Nếu không tìm thấy trình độ sáng tạo nào trong giải pháp đó, vấn đề đặt ra là liệu kết quả có là hiển nhiên hay bất ngờ bởi bản chất hay quy mô của nó. Nếu một người có trình độ kỹ thuật trung bình trong lĩnh vực cũng có thể nêu ra vấn đề, giải quyết nó theo cách được yêu cầu bảo hộ, và dự liệu được kết quả, thì giải pháp coi như thiếu trình độ sáng tạo.

Bộc lộ sáng chế

Một điều kiện nữa về khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế là liệu sáng chế đó đã được bộc lộ đầy đủ trong đơn hay chưa. Đơn cần phải bộc lộ được sáng chế theo một cách thức đủ rõ ràng để một người có trình độ trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc lĩnh vực công nghệ đó có thể thực hiện sáng chế.

Bộc lộ sáng chế

Sáng chế cần được bộc lộ đầy đủ

Việc mô tả phải đưa ra được ít nhất một cách thức thực hiện sáng chế. Phải thực hiện điều này dưới dạng những ví dụ, nếu có thể, có tham chiếu các hình vẽ mô tả, nếu cần. Ở một vài nước yêu cầu người nộp đơn phải bộc lộ được cách thức tối ưu mà người nộp đơn biết để thực hiện được sáng chế trong bản mô tả.

Thủ tục phản đối

Cho dù có hay không có một xét nghiệm nội dung, một số hệ thống luật pháp vẫn quy định thủ tục phản đối trước hay sau khi cấp bằng độc quyền sáng chế. Thủ tục phản đối được quy định nhằm cho phép bên thứ ba có thể đưa ra ý kiến phản đối việc cấp bằng độc quyền sáng chế.

Để những ý kiến phản đối đó được nêu ra, nội dung của đơn yêu cầu bảo hộ phải được thông báo tới công chúng, và việc này do Cơ quan Sáng chế thực hiện bằng việc công bố một thông báo trong một xuất bản phẩm chính thức hay trên công báo có hiệu lực cho việc:

  1. Để ngỏ đơn yêu cầu bảo hộ để công chúng xem xét nếu muốn; và/hoặc
  2. Cơ quan Sáng chế sẽ, trừ khi có thủ tục phản đối được nộp trong thời hạn quy định, cấp bằng độc quyền sáng chế; hoặc
  3. Bằng độc quyền sáng chế đã được cấp trên cơ sở đơn yêu cầu.

Cơ sở đưa ra thủ tục phản đối được quy định bởi hệ thống luật pháp liên quan. Nói chung, một thủ tục phản đối có thể dựa vào việc không đáp ứng bất kỳ yêu cầu về mặt nội dung nào. Tuy nhiên, luật pháp của một số quốc gia giới hạn thủ tục phản đối dựa trên một số yêu cầu nhất định về nội dung.

Các lý do điển hình là sáng chế thiếu tính mới, thiếu tính sáng tạo hay không có khả năng áp dụng công nghiệp, không được bộc lộ đầy đủ hay do việc sửa đổi đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế đã vượt ra ngoài nội dung bộc lộ so với đơn đã nộp ban đầu. Một số hệ thống pháp luật cho phép có thể tiến hành thủ tục phản đối với lý do người nộp đơn không có quyền đối với bằng độc quyền sáng chế đó.

Nguồn: Cẩm nang sở hữu trí tuệ WIPO

Ngày cập nhật: 10/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50