Vai trò của nhãn hiệu trong giai đoạn gia nhập thị trường

Vai trò của nhãn hiệu trong giai đoạn xâm nhập thị trường

Giai đoạn gia nhập thị trường là giai đoạn rất quan trọng và khó khăn cho doanh nghiệp, là bước đầu tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường mới. Trong giai đoạn này doanh nghiệp tập trung vào việc làm sao đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, làm sao để người tiêu dùng quen với nhãn hiệu sản phẩm mới.

Để đưa một sản phẩm ra thị trường mới đòi hỏi phải có rất nhiều nỗ lực – trước hết sản phẩm đó phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả về mặt chất lượng cũng như thị hiếu, sản phẩm đó phải có lợi thế nhất định so với sản phẩm cùng loại (chẳng hạn như về mặt tiện ích hay giá cả), phải hiểu tường tận thị trường mình định tham gia về mọi khía cạnh (pháp luật, trong đó có quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng, các đối thủ cạnh tranh hiện hữu và tiềm năng). Như vậy, rõ ràng là vấn đề bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm là một trong các yếu tố phải được xem xét cân nhắc với hàng loạt các yếu tố khác và là cái không thể thiếu trong chiến lược gia nhập vào một thị trường cụ thể.

Sau khi tạo ra một sản phẩm và để đưa sản phẩm đó đến với người tiêu dùng, doanh nghiệp phải trải qua một giai đoạn khó khăn, lâu dài và tốn kém. Đó là việc quảng bá sản phẩm đó trên thị trường, làm sao cho khách hàng nghe thấy, nhìn thấy và nhận biết được sản phẩm. Khách hàng quan tâm đến các thông tin về sản phẩm và tìm hiểu ý nghĩa về thương hiệu của sản phẩm. Giai đoạn này đòi hỏi doanh nghiệp phải trải qua một giai đoạn khó khăn và tốn kém để khách hàng chấp nhận và thích thú với sản phẩm và ghi nhớ về nhãn hiệu hàng hóa cho nhu cầu mua sắm của mình.

Tuy nhiên, khi đã có một thương hiệu mang tầm quốc tế và đã được nhắc đến nhiều thì để gia nhập sản phẩm đó vào một thị trường mới sẽ ít tốn kém hơn nhiều, doanh nghiệp dường như không tốn nhiều chi phí cho hoàn thiện sản phẩm và dễ được nhiều người tiêu dùng nhận biết hơn. Tuy nhiên nếu sản phẩm đã nổi tiếng và có uy tín thì rất dễ bị ăn cắp nhãn mác, kiểu dáng,… cho nên phải đăng ký bảo hộ cho sản phẩm đó để bảo vệ uy tín của sản phẩm, chống lại các hành vi giả mạo và cạnh tranh không lành mạnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trong giai đoạn gia nhập thị trường vấn đề bảo hộ cho sản phẩm lại càng quan trọng vì đây là giai đoạn mà doanh nghiệp đang tập trung mọi nỗ lực để sản phẩm của mình có thể được người tiêu dùng ghi nhận. Bất cứ một hình ảnh xấu nào về sản phẩm trong giai đoạn này cũng có thể gây tác hại rất lớn cho những giai đoạn sau của vòng đời sản phẩm.

Vấn đề quan trọng mà chúng ta đang quan tâm hiện nay là tình hình các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập hàng hoá sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ thì xảy ra tranh chấp do có công ty nước ngoài đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đó và các doanh nghiệp Việt không được phép xuất khẩu sang thị trường đó nếu không được phép của công ty nước ngoài kia.

Cụ thể như thuốc lá Vinataba bị các doanh nghiệp Indonesia đăng ký thương hiệu trước tại 12 nước trên thế giới; thương hiệu nước mắm Phú quốc bị một số nhà sản xuất nước mắm tại Thái Lan sử dụng để đưa sản phẩm ra bán rộng rãi ở thị trường Mỹ, Châu Âu cách đây hàng chục năm với tên gọi nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm khác như bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên,… cũng bị mất về tay các công ty nước ngoài.

Xem thêm: Các biện pháp phòng ngừa bị đánh cắp nhãn hiệu

Đó là lý do khiến hàng hoá của các doanh nghiệp chúng ta bị cấm gia nhập, lưu thông vì vi phạm bản quyền về sản phẩm và nhãn hiệu hàng hoá. Quá trình mở rộng xuất khẩu ra thị trường bị ngừng trệ và coi như sản phẩm không thể gia nhập vào được những thị trường mới, thị phần bị mất, thậm chí hàng hoá còn bị tịch thu. Một số chủ các nhãn hiệu nói trên đã tiến hành kiện tụng và sau một khoảng thời gian dài tranh chấp pháp lý đã đòi lại được sản phẩm của mình, nhưng một số khác lại rơi vào quá trình kiện tụng tốn kém, không những thế còn làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm đó.

Bài học thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm trước khi đưa hàng hoá vào thị trường là để đảm bảo cho quá trình gia nhập hàng hoá đó không bị gián đoạn hay thậm chí không thể thực hiện được. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì không những không gia nhập được thị trường mà còn bị các công ty nước ngoài lợi dụng để bán sản phẩm của họ bằng tên tuổi và sự uy tín thương hiêụ hàng hoá của mình, đây là thiêt thòi rất lớn.

Phải coi bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến bản quyền sản phẩm nói chung là chiến lược cần quan tâm đi trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài.

Từ thực tế gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, cụ thể nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nguyên tắc chiến lược “thương hiệu đi trước hàng hoá”, khắc phục thói quen đưa hàng hoá ra thị trường rồi mới tính đến thương hiệu. Các doanh nghiệp đã chú ý xây dựng chiến lược sở hữu trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ thị trường mà mình đã dự định xúc tiến giao thương.

Nguồn tham khảo:

1. Tổng hợp thông tin trên Internet;

Ngày cập nhật: 16/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50