Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu

Hiện nay trên thị trường, xuất hiện ngày càng nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các chủ thể làm ăn phi pháp, lợi dụng uy tín sẵn có của các nhãn hiệu đã được pháp luật công nhận và bảo hộ nhằm tạo ra lợi thế giả tạo, bất chính mà không phải đầu tư nhiều công sức. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng lầm tưởng chất lượng của các sản phẩm kém chất lượng với các sản phẩm đã tạo được uy tín trước đó.

Việc quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện từ rất sớm và hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định điều chỉnh, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng trong pháp luật của quốc gia.

Cạnh tranh không lành mạnh theo Công ước Paris

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được đề cập tới lần đầu tiên trong Công ước Paris năm 1883. Đây cũng được coi là công ước quốc tế đầu tiên và quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Theo văn bản mới nhất của Công ước Paris năm 1883, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 10bis. Theo đó, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nói chung bao gồm 3 hành vi:

  1. Hành vi gây ra sự nhầm lẫn;
  2. Hành vi làm mất uy tín của đối thủ cạnh tranh;
  3. Hành vi có thể lừa dối công chúng;

Tuy nhiên, trong số 3 hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên chỉ có hai hành vi: gây ra sự nhầm lẫn và hành vi có thể lừa dối công chúng là có liên quan trực tiếp đến nhãn hiệu.

1. Hành vi gây ra sự nhầm lẫn

Theo Điều 10bis thì đó là “tất cả các hành động có thể gây nhầm lẫn dưới bất cứ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hóa, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh của người cạnh tranh”.

Như vậy, ta có thể hiểu bất kì một chủ thể nào đăng kí hay sử dụng nhãn hiệu, mà việc sử dụng đó có thể gây nhầm lẫn về cơ sở, hàng hóa, dịch vụ hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh của một chủ thể khác đang ở vị thế cạnh tranh với mình, đều sẽ bị coi là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cần lưu ý một điều là, việc sử dụng một nhãn hiệu giống hệt hay tương tự trên những hàng hóa rõ ràng không liên quan hoặc hoàn toàn khác biệt sẽ không bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bởi lẽ, sự khác biệt hoàn toàn giữa các hàng hóa sẽ làm cho người tiêu dùng nghĩ rằng chúng có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau.

Thuật ngữ “gây nhầm lẫn” ở đây có thể mang nghĩa tương tự với thuật ngữ không có “tính phân biệt” hay “tính độc đáo”của nhãn hiệu, khi mà một nhãn hiệu được đăng ký hay sử dụng không có chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Chính vì thế, người tiêu dùng không thể lựa chọn được mặt hàng mình mong muốn.

Ngăn chặn việc sử dụng nhãn hiệu có thể gây nhầm lẫn

Ngoài việc sử dụng các nhãn hiệu thực sự gây nhầm lẫn, Điều 10bis còn buộc tất cả các nước thành viên ngăn chặn cả việc sử dụng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn.

Cụ thể, các yếu tố sau thường được xét đến khi xác định xem một nhãn hiệu có gây nhầm lẫn hay không:

  • Mức độ độc đáo của nhãn hiệu được bảo hộ, hay đây chính là tính phân biệt của nhãn hiệu;
  • Quy mô và danh tiếng của chủ sở hữu nhãn hiệu đó;
  • Sự nhận biết của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu;
  • Sự tương tự của nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ liên quan.

Sự nhầm lẫn thường xảy ra dưới hình thức “chỉ dẫn xuất xứ thương mại”. “Xuất xứ thương mại” hay “nguồn gốc thương mại” ở đây được hiểu là nơi mà hàng hóa được sản xuất hoặc kinh doanh. Do đó, hình thức nhầm lẫn này xảy ra khi mà việc đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của một chủ thể có thể làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng những hàng hóa khác nhau có nguồn gốc từ cùng một nhà sản xuất, kinh doanh, thậm chí khi nguồn cơ sở kinh doanh này không được người tiêu dùng biết đến bằng tên của nó.

Hậu quả

Hành vi gây nhầm lẫn nhằm mục đích cạnh tranh như trên có thể gây ra các hậu quả sau:

  • Đối với người tiêu dùng: gây thiệt hại về tài chính và sức khoẻ.
  • Đối với các đối thủ cạnh tranh: bị mất khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như lợi nhuận.
  • Đối với môi trường kinh tế: làm hỗn loạn thị trường, gây thiệt hại lớn đến toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi kinh tế.

Trên thực tế, việc đánh giá khả năng gây nhầm lẫn thường được xem xét trên cơ sở khảo sát thị trường. Ở một số nước trên thế giới, hành vi bị coi là gây nhầm lẫn, cạnh tranh không lành mạnh khi số liệu điều tra cho thấy khoảng 10% đến 15% người bình thường bị nhầm lẫn.

2. Hành vi lừa dối công chúng

Theo Điều 10bis thì đó là “những chỉ dẫn hoặc khẳng định mà việc sử dụng chúng trong hoạt động thương mại có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, quá trình sản xuất, tính chất, tính thích hợp để sử dụng hoặc số lượng hàng hóa”.

Lừa dối có thể được định nghĩa là việc tạo ra một ấn tượng sai về sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc sở hữu của đối thủ cạnh tranh. Lừa dối là hình thức phổ biến nhất của cạnh tranh không lành mạnh, và lừa dối có thể đem lại những hậu quả rất to lớn cho nền kinh tế nói chung và người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp nói riêng.

Hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh nêu trên gần như tương tự với nhau và đôi khi là chồng chéo với nhau. Tuy nhiên, một điểm khác biệt lớn nhất và cơ bản nhất giữa hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên đó là: hành vi lừa dối trước tiên hướng tới người tiêu dùng chứ không trực tiếp hướng tới đối thủ cạnh tranh.

Hành vi lừa dối công chúng bao gồm:

  1. Hành vi lừa dối “thông thường”;
  2. Hành vi lừa dối đặc biệt, có thể dẫn tới những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, như việc cố ý gây hiểu nhầm hoặc lừa dối công chúng trong lĩnh vực sức khỏe hoặc thuốc men.

Vì hành vi lừa dối công chúng trước tiên hướng tới người tiêu dùng nên tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xác định xem liệu một hành vi có phải là lừa dối hay không chủ yếu căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng chứ không dựa vào ý định của bên lừa dối. Ở một số quốc gia, những tiêu chuẩn xác định hành vi lừa dối được đặt ra dựa trên cơ sở quan điểm của người tiêu dùng trung bình, tức là những người tiêu dùng có được những thông tin đầy đủ và đủ thông minh để chống lại hầu hết những nguy cơ lừa dối.

Cạnh tranh không lành mạnh theo Luật pháp Việt Nam

Trước đây, nghị định 54/2000/NĐ-CP (đã hết hiệu lực năm 2006) đã đưa ra những quy định khá chi tiết về vấn đề này. Sau đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ra đời, trên cơ sở kế thừa những quy định của nghị định 54, đã mở rộng thêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra trong lĩnh vực tên miền, một lĩnh vực đang được quan tâm trong xu thế hiện nay. Theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, các hành vi sau bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Việt Nam là thành viên, và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác;

Khoản 2 Điều 130 cụ thể hóa thế nào là các chỉ dẫn thương mại, theo đó, chỉ dẫn thương mại là “các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ” và nhãn hiệu là một trong các chỉ dẫn thương mại đó.

Cụ thể hành vi sử dụng nhãn hiệu nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo khoản 3 Điều 130 là “hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo”.

Trong bối cảnh thương mại điện tử và Internet phát triển như vũ bão hiện nay, dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới phát sinh gần đây đó là lạm dụng, sử dụng nhãn hiệu đã có uy tín làm tên miền nhằm chiếm đoạt lợi thế về danh tiếng gắn liền với các nhãn hiệu đó, đã bắt buộc pháp luật sở hữu trí tuệ đưa ra các quy định mới điều chỉnh vấn đề này.

Nghị định 105/2006/NĐ-CP với các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đã cụ thể hóa hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Theo Điều 11.3 của Nghị định thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bao gồm:

Đăng ký hoặc sử dụng các dấu hiệu bị nghi ngờ trùng gồm có “cùng cấu tạo, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa và cách trình bày, hoặc tương tự gồm có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc với dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ”.

Đăng ký hoặc sử dụng các dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về “bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng hệ thống tiêu thụ với hàng hóa thuộc danh mục, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ[…]”.

Ví dụ, tại Nhật Bản, các nhãn hiệu “Libbys”“LiLys” được coi là tương tự về hình thức, “Sinka”“Shinga” tương tự về phát âm, “Tiger”“Tora” trùng nhau về ý nghĩa, cả hai nhãn hiệu trên đều có nghĩa là “hổ”…

Một văn bản quy phạm pháp luật nữa cũng đưa ra các quy định điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu đó là Luật Cạnh tranh năm 2018. Trong số 7 hành vi cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê tại Điều 45 Luật Cạnh tranh thì chỉ có hành vi cạnh tranh thứ 5 là có liên quan trực tiếp đến việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu, đó là hành vi “Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng”.

Như vậy, trước hết, có thể nhận thấy rằng hai hành vi cạnh tranh lành mạnh đầu tiên được liệt kê trong Điều 130 là tương đối giống với hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được quy định trong luật pháp quốc tế đã được phân tích ở trên. Phạm vi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp nói chung và liên quan đến nhãn hiệu nói riêng đã được Luật Sở hữu trí tuệ mở rộng ra, thêm vào đó là hai hành vi đăng ký hay sử dụng của người đại diện hay đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và hành vi đăng ký và sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu.

Xem thêm: Vấn nạn bảo hộ nhãn hiệu “ăn theo” những thương hiệu nổi tiếng

Tài liệu tham khảo:

  1. Công ước Paris 1883 về bảo hộ SHCN;
  2. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam;
  3. Luật cạnh tranh 2004;
  4. Luật cạnh tranh 2018;
  5. Bộ luật dân sự 2005;
  6. Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
  7. Nghị định 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp.

Ngày cập nhật: 19/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50