Mối quan hệ giữa pháp luật về sở hữu công nghiệp và pháp luật về cạnh tranh

Điện thoại Smartphone

Mục tiêu của pháp luật về cạnh tranh, về tổng thể, là bảo vệ sự cạnh tranh trên thị trường, với quan điểm khuyến khích sự thịnh vượng của người tiêu dùng và sự phân phối hiệu quả các nguồn lực. Còn pháp luật về sở hữu công nghiệp lại trao quyền độc quyền cho người nắm giữ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được bảo hộ.

Theo pháp luật về sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu quyền có quyền ngăn cản việc sử dụng trái phép quyền sở hữu công nghiệp của mình và có quyền khai thác nó bằng nhiều cách, trong đó có quyền chuyển giao nó cho người khác. Việc pháp luật về sở hữu công nghiệp trao quyền khai thác độc quyền cho chủ sở hữu có thể xung đột với pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, không nên hiểu rằng sự xung đột này là cố hữu, bởi vì cả hai lĩnh vực pháp luật nói trên cùng chia sẻ một mục tiêu cơ bản là khuyến khích sự thịnh vượng của người tiêu dùng và sự phân phối hiệu quả các nguồn lực.

Điện thoại Smartphone

Quyền sở hữu công nghiệp sẽ thúc đẩy các nhà kinh doanh phải sáng tạo

Sự sáng tạo cấu thành một bộ phận chủ yếu và năng động của một nền kinh tế thị trường mở cửa và cạnh tranh. Quyền sở hữu công nghiệp khuyến khích sự cạnh tranh năng động bằng việc cổ vũ các nhà kinh doanh đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm và quy trình mới hoặc cải tiến sản phẩm. Điều này tạo ra cạnh tranh, bởi vì nó thúc đẩy các nhà kinh doanh phải sáng tạo. Do đó, cả quyền sở hữu công nghiệp lẫn pháp luật về cạnh tranh đều cần thiết cho việc khuyến khích sáng tạo và bảo đảm khai thác mang tính cạnh tranh. Tuỳ từng thời điểm nhất định, xã hội có thể ưu tiên việc phát triển cạnh tranh so với bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc ngược lại.

Kinh nghiệm pháp luật các nước cho thấy việc bảo hộ quá cao hoặc quá thấp đối với cả quyền sở hữu công nghiệp lẫn sự cạnh tranh đều có thể dẫn tới bóp méo thương mại. Do đó, phải tìm thấy sự cân bằng giữa chính sách cạnh tranh và quyền sở hữu công nghiệp. Sự cân bằng này phải thực hiện được mục tiêu ngăn chặn sự lạm dụng quyền sở hữu công nghiệp nhưng không ảnh hưởng đến việc khuyến khích sáng tạo.

Sự cân bằng giữa quyền sở hữu công nghiệp và các mục tiêu của chính sách cạnh tranh được thể hiện ở cả trong pháp luật về sở hữu công nghiệp lẫn trong mối quan hệ giữa pháp luật về sở hữu công nghiệp và pháp luật về cạnh tranh.

Lịch sử mẫu điện thoại iPhone

Nguyên tắc cốt lõi của pháp luật về sở hữu công nghiệp là phải cổ vũ sự đổi mới

Thứ nhất, nguyên tắc cốt lõi của pháp luật về sở hữu công nghiệp là phải cổ vũ sự đổi mới, mặt khác phải giữ vững các quy tắc thị trường công bằng. Thí dụ: Pháp luật về sở hữu công nghiệp của đa số các nước chỉ bảo hộ sáng chếkhông bảo hộ phát minh hoặc giới hạn quyền sở hữu công nghiệp về nội dung và thời hạn.

Thứ hai, pháp luật về cạnh tranh có mục đích ngăn cản các hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Thí dụ: Các bên kí kết hợp đồng license độc quyền dẫn đến hệ quả là “tống cổ” các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường thông qua hành vi mua bán hạn chế. Đứng trước vấn đề này, chính sách và pháp luật cạnh tranh là công cụ quan trọng để điều chỉnh sự lạm dụng quyền sở hữu công nghiệp có khả năng xảy ra trong tương lai.

Chính vì các đối tượng sở hữu công nghiệp là một yếu tố thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại nên các đối thủ cạnh tranh có thể nghĩ đến việc xâm hại các đối tượng sở hữu công nghiệp bằng cách thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu lợi bất chính trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu công nghiệp, với tính độc quyền, có thể bị lạm dụng để cản trở thương mại. Để đối phó với các loại hành vi này, pháp luật phải thừa nhận cho các chủ thể kinh doanh quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp với tư cách là một trong những vấn đề cơ bản của pháp luật về sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại.

Nguồn bài viết: Tạp chí luật học số 6/2006
Tác giả bài viết: PGS. TS. Nguyễn Thanh Tâm
Trưởng khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học luật Hà Nội

Ngày cập nhật: 30/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50