Bài học lớn về bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài

Trung Nguyen Coffee

Như chúng ta đã biết, nhãn hiệu hàng hoá là một tài sản trí tuệ quý giá, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó thực hiện sản xuất hàng hoá hay cung cấp dịch vụ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh doanh, uy tín của nhãn hiệu ngày càng được bồi đắp, dẫn đến giá trị của nó ngày càng tăng tiến, nhất là khi nhãn hiệu trở thành nổi tiếng và được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Khi nhắc đến những thương hiệu như TRUNG NGUYÊN, VINATABA, PETRO VIỆTNAM, DUY LỢI,… người tiêu dùng trong từng lĩnh vực sẽ biết rõ những nhãn hiệu này được dùng cho sản phẩm gì. Nhãn hiệu nổi tiếng là một trong những thành quả đầu tư và là một tài sản vô hình có giá trị rất lớn của các doanh nghiệp sở hữu nó. Đôi khi, nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo ra thương hiệu cho mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đang là một vấn đề được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm và dày công xây dựng.

Điều này còn đặc biệt quan trong khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm những thử thách chông gai. Ngày càng nhiều những doanh nghiệp Việt Nam có nhãn hiệu nổi tiếng bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng qua đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xuất phát từ đặc điểm của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng là có uy tín, danh tiếng trên toàn thế giới sau một thời hạn nhất định kể từ thời điểm đăng kí bảo hộ lần đầu tiên. Cho nên đối với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, thủ tục đăng ký bảo hộ bắt buộc chỉ đặt ra lần đầu tiên với ý nghĩa là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá.

Các văn bản pháp luật quốc tế và văn bản pháp luật quốc gia đều không quy định: Chủ sở hữu/ nhà sản xuất phải tiếp tục đăng kí tại bất kỳ quốc gia nào có sử dụng nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng. Như vậy, việc chủ sở hữu có muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của họ. Tuy nhiên trong thực tế, chủ sở hữu/ nhà sản xuất vẫn tiến hành thủ tục đăng kí cho nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng để đảm bảo quyền lợi chắc chắn của mình.

Bởi lẽ mỗi quốc gia có những tiêu chí để xác định nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng khác nhau dẫn đến tình trạng cùng một nhãn hiệu hàng hoá nhưng quốc gia này công nhận là nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng và cho hưởng quy chế pháp lý của nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng nhưng quốc gia khác lại không công nhận. Chẳng hạn như hãng Coca-cola vẫn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng Coca-Cola tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam; Công ty Walt Disney Productions (Mỹ) vẫn đăng ký cho các nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của mình là Mickey Mouse và Snow White taị Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt: mất bò mới lo làm chuồng

Điều đáng nói là thực trạng này đang rất phổ biến đối với các doanh nghiệp có nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì trước khi gia nhập WTO các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhận thức cao về bảo hộ tài sản trí tuệ vô hình này của mình họ mà chỉ lo đầu tư sản xuất nhằm đem lại chất lượng tốt cho sản phẩm. Đến khi Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu nghĩ đến việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài; nhưng lúc này họ mới nhận ra rằng các đối thủ cạnh tranh của họ đã đăng kí chính nhãn hiệu của họ ở thị trường nước ngoài.

Để đòi lại quyền lợi và bảo vệ thành quả mà mình đã dày công xây dựng, doanh nghiệp chỉ còn cách chứng minh nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng và đã có sự vi phạm nhãn hiệu. Nhưng điều này là rất khó bởi những nhãn hiệu đó chỉ nổi tiếng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà không nổi tiếng ở các quốc gia khác.

Cafe Trung Nguyên gặp khó tại thị trường Mỹ

Câu chuyện về nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị vi phạm có lẽ Cà phê Trung Nguyên là một ví dụ điển hình. Cà phê Trung Nguyên một thương hiệu nổi tiếng đã được xây dựng trên thị trường trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng mấy năm, từ một xưởng sản xuất nhỏ ở Buôn Ma Thuột, với một chiến lược xây dựng và phát triển tốt, Trung Nguyên đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chiếm thị phần lớn và trở thành một thương hiệu cà phê nổi tiếng được nhiều người và trong ngoài nước biết đến.

Trung Nguyen Coffee
Trung Nguyen Coffee

Thế nhưng vào tháng 7/2000, Công ty Cà phê Trung Nguyên sang Mỹ để tiếp cận Rice Field với mục đích đưa sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ. Mặc dù vẫn đang trong quá trình thương thảo, nhưng nhãn hiệu Trung Nguyên đã bị phía Rice Field nhanh chân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO).

Cuối cùng, sau 2 năm ròng rã thương thảo, Trung Nguyên mới đòi lại được quyền bảo hộ thương hiệu, nhưng đổi lại công ty này phải chấp nhận để Rice Field làm nhà phân phối sản phẩm của Trung Nguyên tại Mỹ. Thương vụ dàn xếp này ngốn của Trung Nguyên hàng trăm nghìn USD. Ngay sau đó, công ty này đã đi đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia khác trên thế giới.

Tên miền thương hiệu cũng bị mất

Không chỉ thương hiệu sản phẩm bị đe dọa, ngay cả tên miền thương hiệu Trung Nguyên (trungnguyen.com) cũng bị một Việt kiều ở Cộng Hòa Séc đăng ký và rao bán. Cho đến nay, tập đoàn Trung Nguyên vẫn chưa thể đòi lại.

Không chỉ vậy, tên miền trungnguyen.com.au thuộc sở hữu của Công ty Dynamic Food Brokers (DFB) từng được sử dụng để chào bán cafe Highlands Coffee tại thị trường Úc gây ra vụ tranh cãi tốn nhiều giấy mực của báo chí. Hiện tại, tên miền này đang được giao bán. Xem thêm: Tranh cãi dùng tên miền cafe Trung Nguyên

Nhãn hiệu Trung Nguyên lại tiếp tục phải chịu trận khi cà phê Mêhycô ra đời và cố ý “nhái” nguyên xi mẫu mã và màu sắc, kiểu dáng của Trung Nguyên, buộc cà phê Trung Nguyên phải lên tiếng. Ngày 13/6/2000  Cục Sở hữu Công nghiệp đã có ngay văn bản phúc đáp, trong đó nêu rõ: “Việc cơ sở Mêhycô sử dụng nhãn hiệu có tập hợp các dấu hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền của chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và phải xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”. Xem thêm: Cà phê Trung Nguyên tiếp tục phải… “chịu trận”

Thuốc lá Vinataba

Tên thương mại Vinataba đã xuất hiện ở Việt Nam năm 1985 cùng với sự ra đời của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam. Vinataba được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ năm 1990. Đến năm 2001, khi Tổng Công ty muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài và bắt đầu đăng ký thương hiệu ở nước ngoài. Lúc này mới biết nhãn hiệu Vinataba đã bị công ty Putra Satbat Industry của Indonesia đăng ký tại 13 nước. Trong đó có Lào, Camphuchia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – đều là những thị trường tiềm năng và có mối quan hệ thương mại thân thiết với Việt Nam.

Thuốc lá Vinataba
Thuốc lá Vinataba

Nếu không dành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu, Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước mà Putra Satbat đã đăng ký, và thuốc lá Vinataba giả có thể thẩm lậu vào Việt Nam qua các nước làng giềng như Lào, Trung Quốc và Camphuchia.

Vinataba không chỉ là sản phẩm chủ lực của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam mà còn là sản phẩm chủ lực của ngành thuốc lá Việt Nam. Đến nay sau rất nhiều công sức đấu tranh giành lại nhãn hiệu, thì mới thành công ở Lào, Camphuchia và Trung Quốc. Còn lại các thị trường khác chưa thực sự cần thiết, Vinataba chọn cách từ bỏ để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bài học của Vifon Việt Nam

Nhãn hiệu Vifon được đăng ký ở Việt Nam năm 1990, năm 1995 công ty nộp đơn đăng ký tại Balan thì bị từ chối vì đã có Công ty Kim Lân đăng ký nhãn hiệu tại Châu Âu với hình ảnh giống của Vifon. Điều đáng nói là: Công ty Kim Lân chính là bạn làm ăn của Vifon. Cuối cùng, ViFon Việt Nam đã phải kiện để đòi lại quyền sở hữu đích thực của mình.

Tại thị trường Mỹ, họ lại một lần nữa bị Công ty Nhật hớt tay trên hai nhãn hiệu hàng hoá “ViFon” và “ViFon Acecook” và Công ty Nhật đã được cấp các văn bằng bảo hộ độc quyền cho hai nhãn hiệu này. Để giành lại thương hiệu, ViFon Việt Nam đã tốn một số tiền lớn 10.000$/năm và mất 4 năm ròng mới có được những kết quả có lợi cho mình, nhưng kết quả vẫn bị mất đứt 2 thương hiệu kể trên.

Cà phê Buôn Ma Thuột

Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa, nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, vào tháng 10/2005. Sau đó, Công ty Guangzhou tại Quảng Đông, Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu “Buon Ma Thuot”, cả tiếng Latinh và tiếng Trung, đã được cấp chứng nhận bảo hộ số 7970830, nhóm sản phẩm 30 (cà phê), hiệu lực văn bằng 10 năm kể từ 14/11/2010.

Việc này khiến cho cà phê Buôn Ma Thuột chính gốc ở Đắk Lắk không thể tiếp cận được thị trường lớn này. Sau 2 năm kiên trì đấu tranh, Đăk Lăk mới đòi lại được thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” tại Trung Quốc.

Kẹo dừa Bến Tre

Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ tốt tại thị trường Trung Quốc, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ), giám đốc Công ty Đông Á bỗng sụt giảm doanh số bất ngờ. Qua tìm hiểu bà được biết trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái kẹo dừa Bến Tre. Nhận định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng nên bà đã đích thân đi sang Trung Quốc kiện Công ty Rừng dừa – Đơn vị làm nhái sản phẩm kẹo dừa Bến Tre của bà.

Kẹo dừa Bến Tre
Kẹo dừa Bến Tre

Tháng 8 năm 1998, bà được biết Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn 03 tháng nữa là được cấp bằng bảo hộ. Với sự hỗ trợ của người phiên dịch, bà đã trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia Trung Quốc, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề:

  • Từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Doanh nghiệp Rừng dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế);
  • Phê duyệt cho nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính.

Tháng 5 năm 1999, tám tháng sau đăng ký, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc. Đồng thời sản phẩm của công ty Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Bà Tỏ đem giấy tờ chứng nhận đến tận Đảo Hải Nam, nơi Rừng Dừa “đóng đô”, thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả. Đoạn phóng sự về bà được chiếu trên toàn Trung quốc, đánh dấu thắng lợi của công ty “miệt vườn” này.

Võng xếp Duy Lợi

Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, tiền thân là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Duy Lợi thành lập tháng 01/2000, do ông Lâm Tấn Lợi làm giám đốc, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng độc đáo do công ty tự thiết kế, trong đó có sản phẩn võng xếp rất thành công.

Tháng 9/2001, DNTN Duy Lợi đã xuất khẩu một container hàng sang Mỹ, sau đó không thấy đơn hàng nào từ Mỹ gửi về đặt mua nữa. Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông Lợi đã nhờ luật sư tra cứu trên mạng, và được biết hiện doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng y hệt võng xếp của Duy Lợi. Trước tình thế đó, ông Lợi đã thuê luật sư làm thủ tục khởi kiện ra Tòa dân sự Mỹ về việc xâm phạm bằng sáng chế kiểu dáng khung mắc võng tại Mỹ.

Võng xếp Duy Lợi
Võng xếp Duy Lợi

Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của ông Lâm Tấn Lợi (giám đốc công ty Duy Lợi) đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày nộp đơn hợp lệ 23/3/2000. Trong khi đó, doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) cũng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ cho khung mắc võng có kiểu dáng tương tự vào ngày 15/8/2001. Như vậy ngày ưu tiên của bằng sáng chế của doanh nhân Đài Loan tại Mỹ là sau ngày kiểu dáng của võng xếp Duy Lợi được công bố ở Việt Nam. Đây là cơ sở để yêu cầu cơ quan thẩm quyền (tòa án) ở Mỹ hủy bỏ văn bằng trên vì nó không thỏa mãn tiêu chuẩn về “tính mới” tại thời điểm nộp đơn.

Mặc dù vào thời điểm này, Duy Lợi chưa đăng ký xin cấp bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ, song cả Việt Nam và Mỹ đều đã tham gia Hiệp ước sáng chế quốc tế (PCT) giữa 116 nước trên thế giới với những quy định chung về bảo hộ sáng chế. Thế nhưng phải rất gian nan để chứng minh kiểu dáng võng xếp Duy Lợi bị đánh cắp thì đến ngày 19/9/2005 USPTO đã ra thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ sáng chế của ông Chung Sen Wu.

Thương hiệu Đức Thành của Vinamit

“Đức Thành” vốn là thương hiệu của Công ty cổ phần Vinamit Việt Nam từ ngày đầu thành lập (1991) và cũng là thương hiệu phổ biến của Vinamit tại thị trường Trung Quốc. Trong quá trình xâm nhập và phát triển tại thị trường này, Vinamit đã thực hiện đầy đủ việc đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu nhưng chỉ đăng ký sở hữu thương hiệu tiếng Việt mà không đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Trung, nên ngay lập tức bị chính nhà phân phối của mình lấy.

Thương hiệu hoa quả sấy Vinamit
Thương hiệu hoa quả sấy Vinamit

Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của sản phẩm Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự. Do đó từ một đơn vị làm ăn chân chính Vinamit bị chính đơn vị làm giả hàng của mình “vu” cho tội “ăn cắp” nhãn hiệu. Thế là toàn bộ hàng hóa mang nhãn hiệu Vinamit đều bị hệ thống siêu thị của Trung Quốc từ chối nhận bán vì không hợp pháp và lãnh đạo công ty còn đối diện với nguy cơ bị án tù 5 năm vì tội sản xuất hàng giả.

Trước tình hình đó, buộc Vinamit phải vào cuộc chiến đấu để chứng minh nhãn hiệu của mình bị đánh cắp. Sau 3 năm tìm hiểu, tranh đấu quyết liệt, đến năm 2010, Công ty mới phát hiện ra chủ doanh nghiệp làm giả nhãn hiệu của mình chính là ông Xie Hong Yi – một thương nhân Trung Quốc, khách hàng từng mua sản phẩm Vinamit. Chính vì thế mà năm 2010, Vinamit theo đuổi vụ kiện đòi lại thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi.

Tới cuối năm 2012 thì Tòa án Thương mại Bắc Kinh tuyên Công ty cổ phần Vinamit đã thắng kiện trong vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành với ông Xie Hong Yi. Theo Vinamit, trong bản quyết định của Tòa án nhân dân cấp trung thứ nhất thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi rõ: Ông Xie Hong Yi – một thương nhân Trung Quốc có lẽ biết được Công ty Vinamit đã có thương hiệu nổi tiếng và đã giành đăng ký trước tạo nên hành vi bất chính là tranh giành đăng ký thương hiệu. Đây là hành vi vi phạm Điều thứ 31 trong Luật Thương hiệu.

Kết luận

Bài học của việc không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài rất nhiều như Bia Sài gòn tại Mỹ và Canada, bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và Châu Âu hay kẹo dừa Bến tre tại Trung Quốc,… và chẳng mấy ai có thể ngờ rằng phương pháp sản xuất chả giò rế của người Việt Nam lại bị người Nhật đăng ký bảo hộ độc quyền, mỳ ăn liền lại do người Nga,… Ngay cả ngân hàng công thương cũng phải đổi thương hiệu thành Vietinbank (tên cũ là Incombank) khi bị trùng với thương hiệu của một ngân hàng tại Nga.

Tất cả những vụ chiếm đoạt nhãn hiệu trên nhằm mục đích ép chính chủ phải mua lại bản quyền của chính mình với giá cắt cổ. Nếu không, sẽ không xuất khẩu sang những thị trường đã bị chiếm đoạt những nhãn hiệu đó. Những vụ mà những doanh nghiệp mắc phải cũng đã được giải quyết. Nhưng các doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian và công sức cũng như chi phí kiện tụng.

Nhìn lại những vụ việc vừa qua có thể thấy nhãn hiệu Việt Nam thường bị đánh cắp bởi các đối tác hay những người có hiểu biết rất rõ tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Có vẻ như, ngày càng ít trường hợp đăng ký nhãn hiệu chỉ với lý do không tin tưởng vào thiện chí làm ăn lâu dài như trường hợp cà phê Trung Nguyên mà chủ yếu là đón đầu để ép doanh nghiệp Việt Nam phải trả tiền để “chuộc” lại tài sản của mình bị đánh cắp nếu muốn phát triển tại quốc gia nào đó.

Nguy hiểm và thâm độc hơn, không loại trừ khả năng đã có một chủ trương hẳn hoi với mục đích lôi kéo vào các vụ kiện tụng kéo dài, tốn kém nhằm làm nản lòng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và chặn đường phát triển của các sản phẩm Việt Nam tại các thị trường tiềm năng. Đây thực sự là một toan tính sâu xa mà các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nhận ra.

Đáng nói là nếu như trước đây, các vụ mất quyền sở hữu nhãn hiệu ở nước ngoài thường rơi vào một doanh nghiệp với nhãn hiệu cụ thể, tức là, quyền lợi thường chỉ ảnh hưởng đối với riêng doanh nghiệp đó. Nếu có đủ quyết tâm thì doanh nghiệp có thể theo đuổi tranh chấp tới cùng. Tuy nhiên lần này với nhãn hiệu chung cho một địa danh, một vùng nguyên liệu của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ là người đứng ra đại diện để đấu tranh, giành lại quyền sở hữu nhãn hiệu? Là nhà nước (ở đây là tỉnh Đắc Lắc), là hiệp hội cà phê hay một doanh nghiệp cụ thể? Và chi phí (nếu có) sẽ do ai chi trả?

Rõ ràng, câu chuyện nhãn hiệu Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là câu chuyện riêng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào mà nó còn cần được nhìn nhận rộng hơn, đó là cả một vùng nguyên liệu, thậm chí là của Quốc gia. Nếu nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có thể mất thì Vải thiều Lục Ngạn, Bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn, … vẫn luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ bị đánh cắp.

Công bằng mà nói, không phải ai cũng có đủ thông tin và hiểu biết để có thể đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của mình trên thị trường thế giới, nhất là các sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông sản thực phẩm. Do đó, những chính sách, hỗ trợ, cung cấp thông tin từ phía chính quyền và các luật gia là điều cần thiết hơn bao giờ hết, bởi nếu mất quyền tự chủ về kinh tế cũng đồng nghĩa với việc mất tất cả. Đây là điều đơn giản mà không phải ai cũng lường được hết các hệ lụy có thể xảy ra.

Nếu muốn phát triển và tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Hãy ý thức ngay đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài tiềm năng mà trong tương lai mình có khả năng đặt chân đến. Nếu để khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã là quá muộn.

Nguồn tham khảo:

1. Các bài báo, thông tin liên quan trên Internet;

Ngày cập nhật: 11/09/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50