Khác với các quốc gia Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, Hoa Kỳ chưa phải là thành viên của Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như một số các cam kết quốc tế khác về lĩnh vực này. Do vậy, về nguyên tắc Hoa Kỳ sẽ không chịu sự ràng buộc bởi các quy định của các điều ước quốc tế này.
Điều này cũng có nghĩa rằng: nước Mỹ sẽ không thể kế thừa và tận dụng được những thành tựu pháp lý quốc tế liên quan đến lĩnh vực này một cách chính thức như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng ở Mỹ hiện nay lại thật sự tỏ ra khá hoàn chỉnh và hiệu quả ở cả cấp độ liên bang lẫn tiểu bang.
Việc thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu dựa trên những quy định của Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa năm 1946 mà nó còn được biết đến với tên gọi Đạo luật Lanham. Thế nhưng Đạo luật này lại không đề cập một cách cụ thể đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.
Đến năm 1995, Nghị viện Hoa Kỳ mới thông qua một Đạo luật mới, Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa (The Federal Trademark Dilution Act). Đạo luật này được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi Đạo luật về Nhãn hiệu hàng hóa năm 1946, cụ thể là sửa đổi nội dung của Điều 43, quy định về sự đền bù hay bồi thường cho việc làm lu mờ đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.
Đạo luật sửa đổi này đã mô tả các yếu tố để xác định một nhãn hiệu hàng hóa là phân biệt và nổi tiếng, đồng thời cũng đưa ra định nghĩa chính xác về thuật ngữ “sự lu mờ” (dilution). Theo đó, sự lu mờ sẽ được hiểu là việc làm giảm khả năng của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong việc xác định và phân biệt đối với hàng hóa hay dịch vụ mang nhãn hiệu (lịch sử đã từng có những trường hợp như vậy mà điển hình là trường hợp của viên thuốc ASPIRIN). Bằng việc đưa ra những quy định mới này, lần đầu tiên nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng được pháp điển hóa trong hệ thống lập pháp Hoa Kỳ.
Theo những quy định tại Điều 3 của Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa năm 1995, chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng sẽ có quyền, phù hợp với nguyên tắc của Luật công bằng và tuỳ thuộc vào sự xem xét của Tòa án, yêu cầu một Lệnh của Tòa án chống lại mọi sự sử dụng nhằm mục đích thương mại của người khác đối với nhãn hiệu hàng hóa hay tên thương mại, nếu sự sử dụng như thế được bắt đầu sau khi nhãn hiệu hàng hóa của chủ sở hữu trở nên nổi tiếng và những sự sử dụng đó có thể làm lu mờ hay làm giảm chất lượng hay khả năng phân biệt của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.
Và để có thể xác định một nhãn hiệu hàng hóa có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không, Tòa án sẽ phải cân nhắc, xem xét đến các yếu tố sau đây:
- Mức độ của tính phân biệt vốn có hay được yêu cầu của nhãn hiệu.
- Khoảng thời gian và mức độ sử dụng nhãn hiệu trong mối liên hệ với hàng hóa hay dịch vụ mà nhãn hiệu được sử dụng.
- Khoảng thời gian và quy mô của các hoạt động quảng cáo hay phổ biến nhãn hiệu.
- Các kênh lưu thông đối với hàng hóa hay dịch vụ mà qua đó nhãn hiệu được sử dụng.
- Mức độ công nhận nhãn hiệu trong các khu vực thương mại và các kênh lưu thông hàng hóa hay dịch vụ được sử dụng bởi chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Bản chất và mức độ của việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa giống hay tương tự của bên thứ ba.
- Nhãn hiệu đã được đăng ký theo Đạo luật ngày 03/03/1881 hoặc Đạo luật ngày 20/02/1905, hoặc đăng ký nguyên tắc hay chưa.
Ngày cập nhật: 09/07/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.