Tác phẩm phái sinh và mối quan hệ với Tác phẩm gốc

Tác phẩm dịch là Tác phẩm phái sinh

Việc kế thừa các tài sản trí tuệ đã có từ trước như các tác phẩm văn học, mỹ thuật, nghệ thuật, thành tựu khoa học kỹ thuật,… để từ đó phát triển, sáng tạo ra những cái mới sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Những cái mới được sáng tạo dựa trên tham khảo cái cũ được gọi là Tác phẩm phái sinh và là đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả.

Theo định nghĩa tại Khoản 8, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ thì: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Có thể hiểu, Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được tạo ra bởi sự kế thừa từ tác phẩm gốc nhưng có sáng tạo đủ lớn để đáp ứng các điều kiện về bảo hộ quyền tác giả.

Đặc điểm của tác phẩm phái sinh

1. Được hình thành dựa trên sự kế thừa từ một tác phẩm đã có

Tùy vào từng trường hợp mà có thể bạn phải xin phép hoặc không cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc. Nhưng cho dù thế nào thì người sáng tạo tác phẩm phái sinh bắt buộc phải tôn trọng Quyền nhân thân của tác giả tác phẩm gốc.

2. Tác phẩm phái sinh không phải bản sao của tác phẩm gốc

Đối với quyền tác giả, pháp luật chỉ bảo hộ về mặt hình thức chứ không bảo hộ nội dung. Sự sáng tạo được bảo vệ ở đây là sự sáng tạo về việc chọn lọc và sắp xếp từ ngữ, màu sắc, tình tiết,… Do đó, tác phẩm phái sinh có thể là sáng tạo nguyên gốc, hoặc sáng tạo một phần về mặt nội dung, hình thức, ngôn ngữ thể hiện.

3. Phải có sự sáng tạo đủ lớn

Để được công nhận là một tác phẩm phái sinh thì nó phải có sự sáng tạo đủ lớn của tác giả. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự sáng tạo một phần với hành vi xâm phạm Quyền nhân thân của tác phẩm gốc rất mong manh. Sự xâm phạm này thường rơi vào trường hợp: Không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm,…

4. Dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh

Cho dù tác phẩm phái sinh được sáng tạo nguyên gốc nhưng vẫn phải đảm bảo có dấu ấn của tác phẩm gốc. Có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.

Cũng cần nhắc lại là pháp luật về bảo hộ quyền tác giả không bảo hộ cho nội dung của tác phẩm, do đó sự liên tưởng này không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm phái sinh.

5. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được tạo ra

Giống như tác phẩm gốc, Quyền tác giả của Tác phẩm phái sinh là quyền tự động phát sinh ngay khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp hoặc khi phát hiện vi phạm, bản thân tác giả là người phải chứng minh về mặt nội dung của tác phẩm.

Phân loại tác phẩm phái sinh

Theo định nghĩa ở trên thì Tác phẩm phái sinh có thể là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết hơn về từng loại tác phẩm này.

1. Tác phẩm dịch

Là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác dựa trên nội dung của tác phẩm gốc. Bản dịch phải sát nghĩa, không diễn đạt sai ý của tác giả.

Ví dụ tác phẩm Truyền Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch. Trong đó, có thể kể đến bản dịch của Huỳnh Sanh Thông (giáo sư tại Đại học Yale, Mỹ) được sử dụng làm bài giảng cho sinh viên Mỹ học. Như vậy, Nguyễn Du sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm Truyện Kiều, nhưng Huỳnh Sanh Thông cũng sở hữu Quyền tác giả của tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều (là bản dịch tiếng Anh).

Tác phẩm dịch là Tác phẩm phái sinh
Tác phẩm dịch là Tác phẩm phái sinh

2. Tác phẩm phóng tác

Là tác phẩm phỏng theo nội dung của tác phẩm gốc nhưng có sự sáng tạo rõ rệt về mặt nội dung, tư tưởng,… để làm cho nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc. Chẳng hạn như viết lại thành một tác phẩm khác theo một yêu cầu nhất định.

Ví dụ: Hồ Biểu Chánh (tiểu thuyết gia tiêu biểu của văn chương Việt Nam hiện đại) đã phóng tác thành công tác phẩm Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo thành tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa. Trong khi Những người khốn khổ là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống của những con người nghèo khổ ở nước Pháp nói chung và ở Paris nói riêng vào nửa đầu thế kỷ 19. Thì Ngọn cỏ gió đùa đã khắc họa thành công chân dung con người đói khổ, khốn cùng, trong xã hội Việt Nam thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn.

Do đó, Hồ Biểu Chánh sở hữu quyền tác giả với tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa – là tác phẩm phái sinh của Những người khốn khổ.

3. Tác phẩm cải biên

Là sửa đổi hoặc biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên một phần hoặc toàn bộ Tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới. Khi cải biên tác phẩm, người cải biên phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Ví dụ: Các bạn chắc đã xem phim Tây Du Ký rồi đúng không? Ngoài phiên bản do Đài truyền hình Trung Quốc sản xuất năm 1986 thì còn nhiều phiên bản khác được cải biên như Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện (2013) do Châu Tinh Trì làm đạo diễn. Phim cũ (Tây Du Ký 1986) xây dựng hình ảnh Đường Tăng là một nhà sư trẻ hiền lành, một lòng hướng Phật nhưng phim của Châu Tinh Trì lại phóng tác Đường Tăng là một thầy trừ yêu có mối tình với một nàng pháp sư.

Tây Du Ký Mối tình ngoại truyện là cải biên của Tây Du Ký 1986
Tây Du Ký Mối tình ngoại truyện là cải biên của Tây Du Ký 1986

Hoặc như phim The Forbidden Kingdom (2008) kể về một cậu bé người Mỹ vô tình lạc đến Trung Quốc cổ đại với sứ mệnh giải cứu Tôn Ngộ Không. Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng đều không xuất hiện trong phim.

4. Tác phẩm chuyển thể

Là việc chuyển thể nội dung của tác phẩm gốc sang một hình thức thể hiện khác, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch,… và không thay đổi cốt truyện hoặc nội dung cơ bản của tác phẩm gốc.

Ví dụ: Phim Chị Dậu (1981) là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài và được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim điện ảnh.

5. Tác phẩm biên soạn

Là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo. Ví dụ như biên soạn từ điển, giáo trình, bài giảng, sách,…

6. Tác phẩm chú giải

Là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc. Ví dụ như sách Truyện Kiều chú giải của tác giả Lê Văn Hòe, dày 772 trang, được xuất bản năm 1953 là cuốn sách viết rất công phu, luận giải rất dễ hiểu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Do đó, ông Hòe sở hữu quyền tác giả với tác phẩm Truyện Kiều chú giải.

Truyện Kiều chú giải là Tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều (Nguyễn Du)
Truyện Kiều chú giải là Tác phẩm phái sinh của Truyện Kiều (Nguyễn Du)

7. Tác phẩm tuyển chọn

Là tác phẩm được tạo ra dựa trên sự tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc) theo các tiêu chí nhất định thành một tác phẩm đầy đủ hơn. Có thể là một bộ sưu tập các bài thơ, truyện ngắn, bài hát,…

Ví dụ: Sách Tuyển chọn đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên môn Toán (xuất bản năm 2017) do tác giả Hoàng Văn Minh & Trần Đình Thái tuyển chọn từ đề thi vào các trường chuyên ở Hà Nội từ năm 2000 đến 2017, có đáp án và hướng dẫn giải.

Một số câu hỏi thường gặp

1. Điều kiện bảo hộ tác phẩm phái sinh là gì?

Tác phẩm được công nhận và bảo hộ với tư cách là Tác phẩm phái sinh nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc và đảm bảo tính nguyên gốc của tác phẩm.

2. Các trường hợp sáng tạo tác phẩm phái sinh phải xin phép tác giả gốc?

Trừ trường hợp sáng tạo Tác phẩm chú giải và chuyển thể tác phẩm gốc sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì tất cả trường hợp khác muốn tạo nên một tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.

3. Khi nào sử dụng tác phẩm phái sinh không cần xin phép tác giả?

Các trường hợp sử dụng hợp lý tác phẩm (không phải xin phép tác giả, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả) được quy định rất rõ tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009. Các bạn xem chi tiết tại đây: Sử dụng hợp lý tác phẩm không phải xin phép.

Ngày cập nhật: 07/09/2022


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50