Căn cứ Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, các quy định của pháp luật về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể được thực hiện theo một trong các hình thức sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Trong đó, đối với mỗi hình thức đầu tư thì Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn khác có quy định cụ thể về điều kiện cũng như các thủ tục thực hiện như sau:
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Tổ chức kinh tế được hiểu là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh (theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014). Việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế nên không bao gồm việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.
Luật Đầu tư năm 2014 (Điều 22) quy định, trước khi thành lập tổ chức kinh tế (tức là thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài), nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Như vậy, điều kiện đầu tiên để nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư tại Việt Nam là phải có dự án đầu tư, tiếp theo là thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì mới được thành lập doanh nghiệp.
Thực tế, thì nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, phải thực hiện 02 thủ tục, đó là:
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014;
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật Doanh nghiệp năm 2014).
2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được thực hiện như sau:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần.
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh.
- Ngoài ra, tổ chức nước ngoài còn có thể góp vốn vào các tổ chức kinh tế khác.
Các hình thức mua cổ phần, phần vốn góp: Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn các hình thức sau:
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông.
- Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh.
- Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
Đồng thời theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014, Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ- CP thì nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện việc đầu tư tại Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế thì không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Hợp đồng PPP là ký hiệu viết tắt của hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công ty theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014, và được hiểu đây là loại hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư.
Theo đó, có 7 loại hợp đồng theo hình thức đối tác công tư, bao gồm:
- Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT);
- Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO);
- Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT);
- Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh ( BOO);
- Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL);
- Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BTL)
- Hợp đồng Kinh doanh –Quản lý (O&M).
Về lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 15/2015/NĐ- CP.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
- Hợp đồng BCC còn được gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh và được hiểu là loại hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực, mục đích và điều kiện của khách hàng mà InvestOne Law Firm sẽ có những bước tư vấn phù hợp với yêu cầu dịch vụ của khách hàng. Để có thể có những tư vấn chuyên sâu và cụ thể hơn, vui lòng liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất.
Ngày cập nhật: 27/05/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.