Lịch sử pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu có từ bao giờ?

Các bạn có biết nhãn hiệu xuất hiện từ khi nào không? Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa qua các giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển của xã hội loài người diễn ra như thế nào? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

Nhãn hiệu có từ thời cổ đại?

Từ thời xa xưa trong lịch sử nhân loại, con người đã biết sử dụng các dấu hiệu nhận biết để định rõ quyền sở hữu của mình. Ban đầu, những người nguyên thuỷ sử dụng các dấu hiệu để chỉ rõ quyền sở hữu đối với vật nuôi của mình. Sau đó, các dấu hiệu nhận biết được sử dụng để chỉ rõ người sản xuất hàng hóa và nghĩa vụ của họ đối với chất lượng hàng hóa. Việc sử dụng này đạt tới đỉnh cao dưới thời La Mã cổ đại.

Theo các dấu tích lịch sử, những người thợ rèn làm kiếm từ thời Đế chế La Mã được cho là những người đầu tiên tạo ra nhãn hiệu (sử dụng trong thương mại). Họ đánh dấu các ký hiệu trên vũ khí mình làm ra để phân biệt với vũ khí của người khác. Về sau, cách dùng ký hiệu để đánh dấu vũ khí được phổ biến rộng rãi và áp dụng trên các sản phẩm khác như vàng, bạc, tiền xu, trang sức, đồ gốm,… Tuy nhiên, các nhãn hiệu này mới chỉ là các vết khắc của các hình vẽ nhỏ hoặc các dạng hình học cơ bản (dấu hiệu đơn giản).

Mặc dù khi đó không có luật bảo vệ loại sở hữu trí tuệ này và các dấu hiệu sử dụng còn rất đơn giản nhưng cũng đã đáp ứng chính xác các yêu cầu bảo hộ tương tự như hiện nay (có khả năng phân biệt).

Nhãn hiệu tập thể đã được sử dụng từ thời trung cổ

Năm 1266, thời vua Henry III (nước Anh) thì luật pháp về sở hữu trí tuệ đầu tiên mới được ban hành, yêu cầu tất cả thợ làm bánh phải sử dụng nhãn hiệu cho bánh mì của họ.

Ở châu Âu thời kỳ đó các nghiệp đoàn ra đời và phát triển mạnh. Bên cạnh các nhãn hiệu cá nhân của các thợ thủ công đã xuất hiện các nhãn hiệu của các nghiệp đoàn dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Các nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu của các tổ chức nghề nghiệp mà các thành viên của các nghiệp đoàn phải sử dụng nhãn hiệu đó. Các nhãn hiệu này được bảo vệ trước các hành vi chiếm đoạt của người khác.

Một trong những tổ chức lâu đời là Stella Artois (thương hiệu bia của Bỉ) tuyên bố sử dụng nhãn hiệu từ năm 1366. Và nhà máy bia Löwenbräu (của Đức) đã tuyên bố sử dụng nhãn hiệu sư tử kể từ năm 1383.

Luật về nhãn hiệu thời cận đại

Cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu và sự phát triển hình thức sản xuất mới (sản xuất hàng loạt, theo phương thức công nghiệp thay cho phương thức sản xuất thủ công nhỏ lẻ) thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa, kích thích sự phát triển của thị trường và thương mại. Nhãn hiệu cá nhân của các nhà công nghiệp, các thương nhân có những cơ hội mới để phát triển. Nhãn hiệu trở nên rất đa dạng và phong phú.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ vào nửa đầu thế kỷ 19 ở Tây Âu đã bùng nổ các nhãn hiệu hàng hóa và thương mại trong rất nhiều lĩnh vực phổ biến như: ngành dệt, chế biến thuốc dán có nhựa thơm, chế biến bánh mứt kẹo,…

Ngoài tên gọi truyền thống của các nhà công nghiệp và các thương nhân, nhãn hiệu thời kỳ này đã mang những đặc trưng mới như đã có sự kết hợp giữa hình ảnh và màu sắc. Nhãn hiệu đã thực sự trở thành dấu hiệu phân biệt của sự nhận biết. Cuối thế kỷ 19 đã xuất hiện các nhãn hiệu hiện đại hơn có sự kết hợp các yếu tố hình họa và từ ngữ. Nhãn hiệu đã được luật pháp của nhiều quốc gia bảo hộ.

Luật về nhãn hiệu của Pháp

Ở Pháp trong giai đoạn cách mạng tư sản nhiều luật lệ đã được ban hành có ảnh hưởng tới sự phát triển của nhãn hiệu. Luật Le Chapelier ra đời tháng 03 năm 1791 đã xóa bỏ tất cả các nghiệp đoàn của các phường hội và thợ cả. Cùng bị chi phối bởi Luật đó tất cả các dấu hiệu phân biệt có liên quan đến các nghiệp đoàn và đặc biệt là các nhãn hiệu bắt buộc đã biến mất.

Việc ra đời của Luật Le Chapelier đã tạo ra khoảng trống về luật pháp trừng phạt các hành vi lạm dụng, chiếm đoạt nhãn hiệu của người khác. Khoảng trống này đã tồn tại trong một thời gian dài và thực sự ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà sản xuất và các thương nhân. Để bảo vệ lợi ích của mình các nhà sản xuất và thương nhân đã đòi hỏi Chính phủ hiện thời tái thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực sử dụng nhãn hiệu thông qua việc ban hành các quy định chung có giá trị lâu dài. Nhằm đáp ứng các đòi hỏi của các nhà công nghiệp và các thương nhân, Luật ngày 22 tháng thứ 7 năm thứ XI (theo lịch cải tổ từ cách mạng tư sản Pháp) đã được ban hành quy định sự trừng phạt chung đối với hành vi làm giả các nhãn hiệu đặc biệt.

Bộ luật hình sự Pháp năm 1810 ra đời quy định hình phạt tước quyền tự do đối với tất cả các hành vi chiếm đoạt nhãn hiệu trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp.

Ở Pháp Luật ngày 28/4/1824 quy định bảo hộ nhãn hiệu thương mại gắn trên các sản phẩm. Trong trường hợp có sự giả mạo nhãn hiệu thương mại trên sản phẩm thì người có hành vi giả mạo bị xử phạt bằng hình phạt tiểu hình. Luật này cũng được áp dụng để trừng phạt hành vi làm giả nhãn hiệu hàng hóa theo nguyên tắc tương xứng giữa tội phạm và hình phạt.

Luật về sản xuất và hàng hóa được thông qua tại Pháp vào ngày 23 tháng 06 năm 1857 đã thiết lập hệ thống nhãn hiệu hoàn chỉnh và toàn diện đầu tiên trên thế giới. Nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ theo nguyên tắc sử dụng đầu tiên. Luật này được áp dụng ở Pháp cho đến năm 1964 thì bị hủy bỏ.

Luật về nhãn hiệu của Anh

Ở Anh, luật về Hàng hóa năm 1862 đã được hình sự hóa. Người nào bắt chước thương hiệu của một người khác với mục đích lừa gạt hoặc cho phép người khác lừa gạt sẽ bị coi là tội phạm hình sự.

Năm 1875, Anh chính thức cho phép đăng ký nhãn hiệu sử dụng trong thương mại. Đối tượng có thể được đăng ký là:

  • Một thiết bị;
  • Một dấu hiệu;
  • Tên của một cá nhân hoặc công ty được in một cách khác biệt;
  • Chữ ký hoặc bản sao chữ ký của cá nhân hoặc công ty;
  • Một nhãn hoặc vé khác biệt;

Phòng sáng chế Anh bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1876.

Đến năm 1938, Đạo luật về Nhãn hiệu thương mại của Anh đã thiết lập hệ thống đăng ký đầu tiên dựa trên nguyên tắc “ý định sử dụng”. Luật này đã thiết lập quy trình xuất bản đơn đăng ký và mở rộng quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, bao gồm cả việc cấm sử dụng trong 1 số trường hợp không nhầm lẫn. Đạo luật này đã trở thành kiểu mẫu cho pháp luật ở các nước khác trên thế giới.

Luật về nhãn hiệu của Mỹ (Hoa Kỳ)

Kể từ thời thuộc địa, Luật pháp Hoa Kỳ đã bảo vệ nhãn hiệu theo án lệ của tiểu bang. Cho đến năm 1870, Quốc hội mới lần đầu tiên thiết lập Luật Bản quyền, còn gọi là Luật Sáng chế năm 1870 hay Luật Nhãn hiệu năm 1870 vì nó bao gồm cả bản quyền và sáng chế.

10 nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên được đăng ký vào cùng một ngày. Đó là ngày 25-10-1870, theo thứ tự như sau:

  • Số 1, nhãn hiệu của Công ty Averill Chemical Paint co New York, N.Y.
  • Số 2, nhãn hiệu của Công ty J.B.Baldy & Co. Toledo, Ohio.
  • Số 3, nhãn hiệu của Công ty EUiS Branson Philadelphia. Pa.
  • Số 4, nhãn hiệu của Công ty Tracy Coil New Jork, N.Y.
  • Số 5, nhãn hiệu của Công ty Wm Lanfair EUis & co. Baltimore, Mary Land.
  • Số 6, nhãn hiệu của Công ty Evans, Clow, Dalzell & co Pittsburgh, Pennsylvania.
  • Số 7, nhãn hiệu của Công ty W.E.Garrett & Sous, Philadelphia, Pa.
  • Số 8, nhãn hiệu của công ty Wm. G. Hamilton New York, N.Y.
  • Số 9, nhãn hiệu của Công ty John K. Hogg Frederik, Maryland.
  • Số 10, nhãn hiệu của Công ty Abraham P.Olzendam Manchester, New Hampshire.

Tuy nhiên năm 1879 xảy ra một số vụ kiện thương hiệu nên Tòa án tối cao đã hủy bỏ đạo luật năm 1870 để thay thế bằng Luật Nhãn hiệu năm 1881 phù hợp hơn.

Các nhãn hiệu lâu đời nhất trên thế giới

Khi bắt đầu nghiên cứu bài viết này, tôi đã tìm kiếm các nhãn hiệu lâu đời nhất trên thế giới. Ở khắp mọi nơi tôi đều thấy nói về 1 nhãn hiệu của Anh từ năm 1876.

Người ta kể rằng nhân viên của công ty Bass đã ngủ qua đêm Giao Thừa trên cầu thang của Phòng sáng chế Anh để là người đầu tiên nộp đơn xin bảo vệ thương hiệu của loại bia này. Bass nhận được 2 đơn đăng ký đầu tiên.

Nhưng trên thực tế, tôi đã tìm thấy 1 nhãn hiệu lâu đời hơn bia Bass. Đó chính là bia PILSNER của Séc đăng ký từ năm 1859.

Nhãn hiệu bia Pilsner
Nhãn hiệu bia Pilsner

Bạn chỉ có thể tìm thấy nó trên trang web của phòng sáng chế Séc. Khi kiểm tra bạn sẽ thấy thương hiệu này được đổi mới liên tục sau mỗi 10 năm. Và điều quan trọng nhất là: Gần 160 năm đã trôi qua nó vẫn còn hiệu lực!

Trong sổ đăng ký của Anh, tôi cũng tìm thấy một nhãn hiệu thú vị khác được bảo hộ liên tục kể từ năm 1870.

Nhãn hiệu lâu đời nhất thế giới
Nhãn hiệu hình con quỷ

Nhãn hiệu này được sử dụng trên vỏ hộp của công ty William Underwood (Mỹ).

Underwood Deviled Ham
Underwood Deviled Ham
Nhãn hiệu lâu đời nhất Đan Mạch
Nhãn hiệu lâu đời nhất Đan Mạch năm 1880
Nhãn hiệu lâu đời nhất Thụy Điển
Nhãn hiệu lâu đời nhất Thụy Điển (1885)
Nhãn hiệu lâu đời nhất Na Uy
Nhãn hiệu lâu đời nhất Na Uy (1885) đã hết hạn bảo hộ năm 2005
Coca Cola first logo
Logo Coca Cola năm 1887
Nhãn hiệu đầu tiên của Phần Lan
Nhãn hiệu đầu tiên của Phần Lan (1891)

Tổng kết

Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực tương đối mới. Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam lần đầu tiên được ban hành năm 2005, tính đến nay mới được 13 năm. Tuy nhiên đây là xu hướng tất yếu của thời đại. Doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ và việc đăng ký bảo vệ những tài sản này cũng là tất yếu.

Ngày cập nhật: 23/08/2019


Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

0904.55.99.50